Chủ hiệu cầm đồ dính bẫy lừa của... sinh viên "rởm"

ANTĐ - Mặc dù hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều thành phần trong xã hội, được xem là “già dơ” trong làm ăn, thế nhưng không ít chủ hiệu cầm đồ vẫn bị những sinh viên “rởm” qua mặt.

Một ổ nhóm đối tượng sử dụng thẻ sinh viên và chứng minh thư nhân dân “rởm” vừa bị đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) bắt giữ. Từ đây, một đường dây làm giả giấy tờ thông qua các trang mạng xã hội cũng bị cơ quan chức năng phát hiện.

Theo điều tra của cơ quan công an, khoảng cuối năm 2015, nhận thấy nhiều sinh viên dùng chứng minh thư nhân dân, thẻ sinh viên để mang đến các hiệu cầm đồ cầm cố, vay tiền, Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1996, trú tại Quyết Tiến, Tiên Lãng, Hải Phòng – một thanh niên vừa bỏ học, lên Hà Nội sống lang thang đã lên mạng mày mò tìm cách kiếm tiền. Khi tìm thấy một trang “Làm thẻ sinh viên giả”, lập tức Cường đã liên hệ theo số điện thoại được quảng cáo và đồng ý thỏa thuận mức giá 200.000đ/thẻ.

Đối tượng Cường (trái) và Thắng (phải)

Với những thông tin cá nhân bịa đặt, Cường đặt làm 5 thẻ sinh viên giả được dán ảnh của mình, sau đó rủ bạn là Vũ Hồng Minh, sinh năm 1996 và Đoàn Duy Thắng, sinh năm 1996 ở cùng quê tham gia.

Các đối tượng đã dùng những thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân giả đến các hiệu cầm đồ, cầm cố lấy tiền chia nhau tiêu sài. Lần đầu các đối tượng đã cầm được 10 triệu đồng. Đến ngày 8/3/2016, khi Cường sử dụng chứng minh nhân dân và thẻ sinh viên giả đến một hiệu cầm đồ ở phường Cổ Nhuế 2 cầm lấy 3 triệu đồng thì bị chủ hiệu cầm đồ phát hiện, trình báo cơ quan công an.

Đối tượng Việt (trái) và Lĩnh (phải)

Từ lời khai của các đối tượng, cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã bắt giữ Nguyễn Tiến Việt, sinh năm, 1993, trú tại Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh và Nguyễn Hồng Lĩnh, sinh năm 1991, trú tại Đức Chính, Đông Triều, Quảng Ninh về hành vi làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức.

Việt khai nhận, do cần tiền tiêu sài nên đã rủ Lĩnh cùng tham gia làm giấy tờ giả để bán, thông qua việc mở một trang “Làm thẻ sinh viên giả” trên mạng xã hội facebook. Hai đối tượng đã góp được 6 triệu đồng mua máy in và 200 phôi thẻ. Mỗi thẻ làm cho khách, Việt thu 200.000 đồng và giao dịch thông qua một số điện thoại “rác” để tránh bị công an phát hiện.

Cơ quan công an đã thu giữ toàn bộ tang vật có liên quan để tiếp tục điều tra làm rõ.

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, anh Nguyễn Văn M, chủ một hiệu cầm đồ khu vực đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Hiện nay, việc sinh viên cầm cố tài sản như điện thoại, máy tính, thẻ sinh viên hay chứng minh nhân dân khá phổ biến. Riêng cầm điện thoại hay máy tính thì chúng tôi tùy theo giá trị của tài sản mà định giá, còn với thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân thì tùy theo nhu cầu của người vay mà chúng tôi cho vay cao hơn, bởi nếu người vay không trả, chúng tôi có thể thông qua các thông tin cá nhân trên thẻ để đòi nợ. Tuy nhiên, nếu là thẻ giả thì bó tay rồi. Chính vì vậy, nếu người không cẩn thận, rất dễ có thể bị đánh lừa...”.

Một chủ hiệu cầm đồ khác chia sẻ: “Nói chung việc cho vay thế chấp bằng thẻ sinh viên hay chứng minh nhân dân đa phần không vấn đề gì. Chẳng qua các em cần tiền quá nên phải làm như vậy. Khi có tiền gia đình gửi hoặc có lương làm thêm sẽ qua chuộc ngay thôi. Có một số em thì do ham chơi quá, không có tiền trả nợ nên cầm thẻ. Nhưng sau đó vẫn quay lại trả tiền cho mình. Còn đối với những đối tượng làm giả thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân thì nói thật là rất khó phát hiện, vì bây giờ, cái gì được làm giả thì cũng giống y như thật...”.

Qua vụ việc trên, cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân, các chủ hiệu cầm đồ, những người làm việc thông qua các giao dịch bằng giấy tờ tùy thân, cần cẩn trọng với những chiêu thức làm giả tinh vi. Trên thực tế, những loại giấy tờ này nếu để ý kĩ cũng sẽ có thể phát hiện ra thật, giả. Để tránh bị lừa, các cá nhân, tổ chức cần tự nâng cao, đề phòng trước những mánh khóe của tội phạm.