Chủ động xin lỗi, bồi thường khi có oan sai

ANTD.VN - Tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) chiều 11-11, nhiều đại biểu trăn trở với việc bù đắp cho người bị kết tội oan, tù oan và phạm vi bồi thường của Luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại hội trường

Nói về vấn đề bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự (TTHS), ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng việc tổ chức xin lỗi công khai người bị oan là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, chứ không phụ thuộc người bị oan có hay không yêu cầu. Nếu đặt vấn đề phải có yêu cầu bồi thường mới tổ chức xin lỗi là không phù hợp.

Cũng theo đại biểu này, trình tự thủ tục xin lỗi cần quy định rõ trong luật, chứ không giao cho Bộ Tư pháp hướng dẫn. Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc xin lỗi có tính hình thức như thời gian qua là chưa quy định rõ vấn đề này.

“Luật cần quy định đây là những khoản đương nhiên Nhà nước phải bồi thường. Ngoài ra, tất cả các cơ quan góp phần vào việc gây ra oan sai đều phải chịu trách nhiệm với sai sót và chịu trách nhiệm bồi thường”, ĐB Nguyễn Thị Thủy đề nghị. 

Giải trình một số ý kiến của đại biểu về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, không thể bỏ khoản 3 Điều 4: “Nhà nước chỉ bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và có yêu cầu bồi thường” vì luật này không tính đến tính đúng sai, mà cần phải có văn bản làm căn cứ mới bồi thường được, nếu bỏ quy định này thì không có cơ sở để giải quyết bồi thường.

Bàn thêm về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) băn khoăn có nên quy định việc thương lượng là nguyên tắc trong quá trình bồi thường hay không. “Có những thiệt hại về thể chất, về tinh thần của công dân không thể định lượng bằng vật chất. Nếu như chúng ta đặt vấn đề thương lượng thì giữa công dân và cơ quan có trách nhiệm bồi thường mặc cả với nhau về giá trị bồi thường, theo tôi không phù hợp”, ĐB Nguyễn Thái Học nêu quan điểm.

Tham gia thảo luận, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đề nghị cần xác định rõ hơn phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong dự thảo Luật để bảo đảm tính bao quát, thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Hiến pháp cũng như bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ví dụ: như người đi đường ban đêm bị sập hố ga, trẻ em bị nước cuốn vào cống thoát nước gây tử vong, cây đổ đè chết người…

Trong các trường hợp đó không có quyết định hành chính, quyết định tư pháp hay hoạt động của người thi hành công vụ. “Do đó Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công dân, trừ trường hợp người thiệt hại có lỗi hoặc do người khác gây ra. Nếu chỉ gói gọn trong lĩnh vực thi hành công vụ mới bồi thường thì chưa thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với người dân”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.

Cũng đề cập tới phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ĐB Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho rằng không phải tất cả trường hợp đều giải quyết theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà chỉ những trường hợp phát sinh trực tiếp từ quản lý Nhà nước do cán bộ công chức Nhà nước thực hiện không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại phải bồi thường, còn những trường hợp khác, tuy Nhà nước là chủ thể đứng ra bồi thường với tư cách pháp nhân nhưng không điều chỉnh ở luật này. 

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: Nhiều người lợi dụng sức khỏe của ông Nén để yêu cầu bồi thường thêm 

Chủ động xin lỗi, bồi thường khi có oan sai ảnh 2

Bên hành lang Quốc hội chiều 11-11, trao đổi với báo chí về vụ bồi thường ông Huỳnh Văn Nén (ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bị ngồi tù oan hơn 17 năm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, có một số người không thuộc diện được bồi thường đã lợi dụng tình trạng sức khỏe của ông Huỳnh Văn Nén để yêu cầu bồi thường thêm 5 tỷ đồng.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc thương lượng bồi thường cho quãng thời gian hơn 17 năm ngồi tù oan của ông Huỳnh Văn Nén chưa thành. “Ngay từ đầu tôi đã chỉ đạo, yêu cầu làm khẩn trương và vận dụng tối đa những quy định pháp luật có lợi cho ông Nén. Trong quá trình thương lượng, tôi cũng đã quan tâm rất nhiều tới đề nghị của ông Nén và tôi thấy TAND tỉnh Bình Thuận có thiện chí khi thương lượng. Tuy nhiên, quá trình thương lượng vụ bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén bất thành, có lý do không phải do Tòa án, cũng không phải do ông Nén”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng khẳng định, những người đòi bồi thường thêm 5 tỷ đồng không phải đối tượng được bồi thường, nhưng lợi dụng tình cảnh sức khỏe của ông Nén nên cũng đưa tài liệu ra đòi bồi thường, do vậy đã phá vỡ kết quả thương lượng bồi thường.

Trong điều kiện như vậy, TAND tỉnh Bình Thuận không còn cách nào khác là chấm dứt bồi thường và đề nghị ông Nén kiện ra tòa để Tòa án xét xử. 

Trước đó, TAND tỉnh Bình Thuận và ông Huỳnh Văn Nén đã có 4 buổi thương lượng, nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. 

Huệ Anh

Tin cùng chuyên mục