Chủ động ứng phó diễn biến bất lợi

ANTĐ - Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, mỗi lần tăng 1%. Theo TS Cấn Văn Lực - Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng BIDV, việc điều chỉnh là khá sớm so với kỳ vọng của thị trường, tuy nhiên việc này là cần thiết, xuất phát từ hai lý do chính. 
Chủ động ứng phó diễn biến bất lợi ảnh 1

Doanh nghiệp không nên gom USD bằng mọi giá 

Thứ nhất, đồng tiền các nước trong khu vực trong tuần qua tiếp tục mất giá. Thứ hai, trong một vài ngày gần đây, USD tiếp tục tăng giá cho thấy tín hiệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed sẽ tăng lãi suất trong quý IV-2015 đã rõ ràng hơn. 

Chủ động "đón đường"

“Bước đi của NHNN là để chủ động đón đường cả 2 yếu tố trên. Việc tăng tỷ giá thêm 1% và nới biên độ lên 3%, có thể hỗ trợ xuất khẩu, tạo tính cạnh tranh hơn vì đồng tiền của các nước trong khu vực tiếp tục bị mất giá trong tuần vừa qua. Đương nhiên, việc điều chỉnh cũng tác động một phần đến nhập khẩu. Nhưng nhìn chung, việc điều chỉnh mang yếu tố tích cực nhiều hơn. Ngoài ra, từ động thái của NHNN, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc lập kế hoạch từ nay đến cuối năm và đầu năm tới”. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có tác động tới các doanh nghiệp nhập khẩu khi chi phí nhập khẩu tăng và khối lượng nhập khẩu do đó có thể giảm xuống. Trong khi đó, xuất khẩu sẽ có lợi thế tương đối về giá nhưng các bạn hàng cũng sẽ nhanh chóng yêu cầu người bán điều chỉnh giá để có thể cùng hưởng lợi từ việc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn cạnh tranh với Trung Quốc, từ mặt hàng cho tới thị trường xuất khẩu nên lợi thế từ việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không kéo dài lâu. 

Tăng giảm chóng mặt

Ngay sau khi quyết định điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá được công bố, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh mức giá mua bán USD. Mức giá giao dịch được đẩy lên cao, tuy nhiên sau đó đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm. Tính tới cuối ngày, có những ngân hàng đã điều chỉnh giá mua bán USD hàng chục lần. 

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), tỷ giá đóng cửa ngày 19-8 ở mức 22.340 – 22.440 VND/USD. Còn tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), tỷ giá được thay đổi hơn 20 lần trong ngày, tăng lên mức cao nhất là 22.330 – 22.480 VND/USD. Tới cuối giờ chiều, mức giá đã được điều chỉnh về còn 22.310 – 22.430 VND/USD. 

Chịu tác động từ thông tin điều chỉnh tỷ giá, giá vàng trong nước hôm qua cũng có một phiên biến động mạnh. Mở cửa lúc 8h20, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI giao dịch ở mức 34,05-34,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 120.000 đồng/lượng so với ngày hôm trước. Sau đó, giá được điều chỉnh tăng mạnh lên 34,3-35 triệu đồng/lượng và duy trì trong khoảng thời gian ngắn rồi giảm về mức 33,95-34,45 triệu đồng/lượng. Cuối ngày, giá vàng đứng ở mức 34-34,35 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường chứng khoán, thông tin tỷ giá đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Sau đó, thị trường tiếp tục bị tác động bởi thông tin giá xăng giảm 770 đồng/lít. Giao dịch giằng co mạnh, đồ thị giá của VN-Index trồi lên sụt xuống với biên độ lớn. Có thời điểm, VN-Index đã đảo chiều, bật tăng nhưng bất thành. Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 2,4 điểm, lùi xuống mức 577,82 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng nhẹ 0,07 điểm và đứng ở mức 79,67 điểm.

Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải: DN không nên gom USD bằng mọi giá
NHNN đang tạo một biên độ giao dịch đủ rộng để cung cầu gặp nhau trên thị trường tránh tạo tâm lý về việc điều chỉnh liên tục. Mặt khác, biện pháp điều chỉnh mạnh mẽ thể hiện NHNN đi trước so với cung cầu của thị trường, chủ động tạo khung cho giao dịch trên thị trường, góp phần giảm áp lực tiếp tục bán dự trữ ngoại tệ ra thị trường.

Khi thị trường biến động, các doanh nghiệp không nên chạy theo và mua USD bằng mọi giá vì sẽ tạo thêm biến động. Thông thường sau đợt biến động, thị trường sẽ điều chỉnh ổn định trở lại quanh một mức cân bằng mới. 

Các doanh nghiệp cần giữ vững tâm lý và nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của NHNN.