Chủ động trước mọi tình huống khi học sinh đi học trở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội cùng 62 tỉnh thành trên cả nước đều đồng loạt mở cửa trường học đón học sinh đi học trở lại ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Nhiều tình huống thực tế đã được đặt ra để chủ động các phương án đối phó, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh vừa đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ dạy và học.

Hồ hởi ngày đầu được trở lại trường

Cô Hoàng Thanh Huyền - Phó Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Việc được trở lại trường ngay sau Tết Nguyên đán khiến cả thầy trò đều rất phấn khởi. Sau thời gian dài phải tạm dừng học trực tiếp và chuyển sang học online do dịch bệnh, ngày đến lớp gặp lại bạn bè khiến các em đều vui mừng. Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn trường học cũng như xử lý các tình huống khi học sinh tới học trực tiếp là ưu tiên hàng đầu, trước nhất của nhà trường”.

Với khoảng 2.000 học sinh khối 7, 8, 9, trường THCS Ngô Sĩ Liên thống kê có 8 học sinh là F0 và 38 em là F1 không thể tới lớp. Với những trường hợp này, thầy cô vẫn duy trì hình thức dạy trực tuyến cho các em để đảm bảo không bị chậm chương trình so với các bạn. Đồng thời, nhà trường cũng làm công tác động viên tinh thần tới để các em yên tâm học tập, giữ gìn sức khỏe, sớm hòa nhập trở lại.

Học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ba Đình tuân thủ 5K khi đến trường

Học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ba Đình tuân thủ 5K khi đến trường

Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) có 10 học sinh và 1 giáo viên thuộc diện F0, 2 học sinh và 2 giáo viên thuộc diện F1. Nhà trường đã chuẩn bị 39 hộp khẩu trang, 17 máy đo thân nhiệt, 34 chai nước sát khuẩn… và đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất để đón học sinh đi học trực tiếp. Được biết, trường này sẽ đón học sinh trở lại trường học từ ngày 14-2-2022. Ngoài ra, trường Tiểu học Hữu Văn (huyện Chương Mỹ) cũng có 10 học sinh và 1 giáo viên thuộc diện F0, 2 giáo viên thuộc diện F1. Trong buổi họp phụ huynh trước khi học sinh trở lại trường, nhìn chung phụ huynh đều đồng tình ủng hộ việc học trực tiếp. Tuy nhiên, một số ít còn băn khoăn khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các cháu còn chưa được tiêm vaccine đầy đủ, phụ huynh đề nghị nhà trường cùng phối hợp chặt chẽ, đảm bảo an toàn khi các con đến lớp.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường quan tâm tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh khi chuyển trạng thái từ học trực tuyến, qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường. Các nhà trường cần sử dụng hiệu quả thời gian học sinh đến trường để tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi, phù hợp, tránh gây quá tải đối với học sinh khi trở lại trường học.

Chia sẻ về việc cho học sinh lớp 6 đến trường từ ngày 10-2, cô Lê Thị Tượng - Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sỹ Liên (huyện Chương Mỹ) cho biết, học sinh lớp 6 của trường được tuyển sinh từ mùa thu năm 2021, đã trải qua 1 học kỳ học trực tuyến và đến mùa xuân năm 2022 các em mới được đến trường. Vì thế, tâm trạng chung của cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh lúc này là hồ hởi, phấn chấn, náo nức như ngày khai giảng đầu năm học. Với các em học sinh lớp 6, khi vừa rời ngôi trường Tiểu học để trở thành học sinh THCS, dù các nề nếp, kỹ năng không phải là mới nhưng sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ.

Ở nhiều lớp, giáo viên chủ nhiệm đã chuẩn bị hình thức đón học sinh lớp 6 vào ngày mai rất sinh động, phong phú để các em có ấn tượng đẹp khi lần đầu tiên được học trực tiếp ở ngôi trường mới. Tuy nhiên, điều băn khoăn của tập thể cán bộ, giáo viên và phụ huynh thời điểm này là học sinh lớp 6 chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Những thói quen, trang phục của các em khi học trực tuyến cũng phải thay đổi khi đến trường học trực tiếp. Cùng đó, việc chuẩn bị kỹ năng cho các con khi đến trường cũng là một thách thức. Do vậy, nhiệm vụ của nhà trường là phối hợp với phụ huynh học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ em.

Học sinh lớp 10 THPT Chu Văn An háo hức ngày đầu tiên được đến trường năm học 2021-2022

Học sinh lớp 10 THPT Chu Văn An háo hức ngày đầu tiên được đến trường năm học 2021-2022

Không quá căng thẳng với việc phát hiện F0

Thống kê của sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội, trong ngày 8-2 có 96,77% học sinh khối lớp 7, 8, 9 toàn thành phố đến trường. Con số này với khối 10, 11, 12 là 93,56%. Các nhà trường, học sinh, phụ huynh và giáo viên phải quen dần với tình huống phát hiện F0 trong trường học để xác định tâm lý, tránh hoảng hốt, lo sợ nhưng cũng không được chủ quan, lơ là trong phòng dịch.

Theo nguyên tắc mới của ngành y tế, khi phát hiện F0 trong trường học, giáo viên phối hợp bộ phận y tế lập tức rà soát, truy vết. Những học sinh tiếp xúc gần F0 là F1 được cho đi xét nghiệm và chuyển học trực tuyến. Những trường hợp còn lại trong lớp sẽ được theo dõi sức khỏe, nếu không có bất thường thì hôm sau vẫn tiếp tục được đến trường. Do nắm rõ được nguyên tắc nên mặc dù xảy ra nhiều trường hợp báo có học sinh là F0, nhưng các trường học vẫn duy trì nền nếp, tổ chức học tập bình thường và chủ động xử lý các tình huống này. Đồng thời có thông điệp kịp thời cho phụ huynh nên không gây hoang mang, lo lắng trong học sinh.

Thầy Nguyễn Quang Thắng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Sài Sơn A (huyện Quốc Oai) cho biết, trường có 30 lớp thì phân chia 2 ca (ca sáng 15 lớp và ca chiều 15 lớp), giữa các lớp có một phòng trống để đảm bảo giãn cách. Khi đến trường, học sinh được hướng dẫn đi theo 2 khu cầu thang riêng biệt. Qua thống kê trong sáng 10-2, trường Tiểu học Sài Sơn A có 521/561 học sinh đi học (chiếm 93%).

Thầy trò trường THCS Thành Công, Ba Đình bắt đầu những giờ học trực tiếp đầu tiên sau hơn 9 tháng tạm dừng đến trường

Thầy trò trường THCS Thành Công, Ba Đình bắt đầu những giờ học trực tiếp đầu tiên sau hơn 9 tháng tạm dừng đến trường

Với những học sinh không đến trường học trực tiếp, trong 1-2 tuần đầu tiên nhà trường sẽ gom mỗi khối 1 lớp học trực tuyến và phân công giáo viên dạy để đảm bảo kiểm soát nền nếp và hệ thống đầy đủ kiến thức cho các em, tránh tình trạng học sinh bỏ bài, không học. Theo thầy Nguyễn Quang Thắng, khó khăn khi dạy trực tiếp là tình hình dịch bệnh Covid-19 tại địa bàn diễn biến phức tạp với trên 300 ca F0 khiến cả phụ huynh và giáo viên đều lo lắng. Nhưng với quyết tâm đưa trẻ trở lại trường, cả 2 phía đều phải phối hợp trong khâu sàng lọc, theo dõi sức khỏe học sinh ở nhà và ở trường để đảm bảo an toàn.

Theo ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, ngay sau khi học sinh trong quận đến trường trở lại đã phát hiện một trường hợp F0 tại trường THCS Thăng Long. Học sinh này đã được phụ huynh đón về để test nhanh ngay buổi sáng đầu tiên đến trường do gia đình báo có người nhà là F0, kết quả test nhanh dương tính. Ngay lập tức, giáo viên chủ nhiệm lớp đã lọc xong danh sách các học sinh tiếp xúc gần với trường hợp F0 để cho nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. Nhà trường cũng đã khử khuẩn phòng học của lớp này.

Phòng GD-ĐT Ba Đình cũng đã yêu cầu các trường học trong điều kiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để theo dõi sức khỏe của học sinh, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp bất thường theo quy định của ngành y tế. Thông tin về sỹ số học sinh đi học hàng ngày của mỗi lớp cần được quản lý chặt chẽ, các trường hợp học sinh nghỉ học cần biết rõ lý do, nhất là có yếu tố liên quan đến dịch tễ trước khi học sinh trở lại lớp. Nhà trường phải đảm bảo các phòng học được thông thoáng, tăng cường thông gió tự nhiên bằng cách mở cửa sổ, cửa ra vào, hạn chế sử dụng điều hòa; theo dõi và thường xuyên nhắc nhở học sinh, cán bộ, giáo viên đảm bảo giãn cách theo quy định; đeo khẩu trang đúng cách; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; không dùng chung các đồ dùng cá nhân; bỏ rác đúng nơi quy định.

Tránh quá tải khi học trực tiếp

Ngay sau khi các trường học ở Hà Nội đón học sinh đi học trở lại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân lưu ý các trường một số nội dung khi tổ chức dạy và học trực tiếp. Theo đó, các nhà trường cần rà soát, điều chỉnh kế hoạch giáo dục cho phù hợp với thực tiễn; sắp xếp lại chương trình, kế hoạch dạy học theo nội dung điều chỉnh, tinh giản và bảo đảm thích ứng; đánh giá, phân loại kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình của học sinh. Đồng thời, chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm bảo đảm cho học sinh học tập, ôn luyện đạt kết quả cao nhất.

Căn cứ kết quả rà soát việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình, nhà trường tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh; dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu, kết hợp với việc ôn tập, củng cố nội dung kiến thức. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường quan tâm tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh khi chuyển trạng thái từ học trực tuyến, qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường. Các nhà trường cần sử dụng hiệu quả thời gian học sinh đến trường để tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi, phù hợp, tránh gây quá tải đối với học sinh khi trở lại trường học.

Được biết, trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đặc biệt lưu ý các nhà trường phải quan tâm tới việc nắm bắt tâm lý học sinh khi các em đi học trực tiếp trở lại. Khi học sinh quen với hình thức học trực tuyến trong một thời gian dài, nay chuyển sang học trực tiếp thì phải có nội dung và hình thức giảng dạy phù hợp để chuyển trạng thái cho các em. Cùng với đó, cần tăng cường các hình thức truyền thông để tạo sự yên tâm cho cha mẹ học sinh.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường chỉ tổ chức việc kiểm tra, đánh giá định kì theo hình thức trực tiếp tại trường sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức. Riêng đối với học sinh lớp 12, các cơ sở giáo dục xây dựng Kế hoạch hoàn thành năm học 2021-2022 trước ngày 30-6-2022. Đối với những địa phương không thể hoàn thành trước ngày 30-6-2022 vì lý do bất khả kháng, cần kịp thời báo cáo Bộ GD-ĐT để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo phù hợp với Kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý các nhà trường phải quan tâm tới việc nắm bắt tâm lý học sinh khi các em đi học trực tiếp trở lại. Khi học sinh quen với hình thức học trực tuyến trong một thời gian dài, nay chuyển sang học trực tiếp thì phải có nội dung và hình thức giảng dạy phù hợp để chuyển trạng thái cho các em. Cùng với đó, cần tăng cường các hình thức truyền thông để tạo sự yên tâm cho cha mẹ học sinh. Bộ GD-ĐT yêu cầu cấc trường chỉ tổ chức việc kiểm tra, đánh giá định kì theo hình thức trực tiếp tại trường sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức. Riêng đối với học sinh lớp 12, các cơ sở giáo dục xây dựng Kế hoạch hoàn thành năm học 2021-2022 trước ngày 30-6-2022. Đối với những địa phương không thể hoàn thành trước ngày 30-6-2022 vì lý do bất khả kháng, cần kịp thời báo cáo Bộ GD-ĐT để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo phù hợp với Kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.