Chủ động phòng ngừa

ANTĐ - Hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ngay trong vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc không chỉ muốn đặt nước ta vào thế “việc đã rồi”, mà còn muốn “thử sức, nắn gân” Việt Nam cũng như phản ứng của các nước lớn, các nước Đông Nam Á, Đông Á, nhất là những quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn thuần là cái giàn khoan dầu khí. 

Trong con mắt quan sát của một số chuyên gia kinh tế vĩ mô, đặc biệt về biển và hải đảo Việt Nam, Trung Quốc đã dựng lên một “cột mốc” đánh dấu bước “bẻ ngoặt”, chuyển hướng đầy toan tính trong quan hệ nhiều mặt, nhất là quan hệ kinh tế ràng buộc và phụ thuộc giữa hai nước.

Theo Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Biển đảo Việt Nam, đây là thời điểm nên xem xét toàn diện quan hệ trên biển và cả quan hệ kinh tế chung để chủ động tránh sự “xâm chiếm về kinh tế”. Cần biến thách thức thành cơ hội bằng cách tăng cường liên kết, hợp tác với các nước khác trong khu vực và trên thế giới để giải quyết vấn đề biển và kinh tế đất nước trong dài hạn. Một chuyên gia kinh tế vĩ mô cũng đồng tình cho rằng, Trung Quốc đã chủ động chuyển quan hệ Việt-Trung sang một “giai đoạn mới”. Việt Nam cần đánh giá đúng, chính xác những ý đồ của họ, phân tích sâu sắc, toàn diện quan hệ kinh tế Việt Nam-Trung Quốc, làm rõ những nguy cơ có thể bị Trung Quốc lợi dụng gây sức ép, để có các điều chỉnh kịp thời, có hiệu quả và phù hợp với những đòi hỏi của tình hình mới. Cần tỉnh táo thấy trước khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động gây căng thẳng trên biển, đảo cũng như các lĩnh vực khác, nhất là về kinh tế. Vì vậy cần thông tin chính xác, khách quan và đầy đủ đến doanh nghiệp, người dân để phát huy sự chủ động, năng động và sáng tạo.

Không chỉ đến lúc Trung Quốc gây sóng dữ ở Biển Đông, trong những năm qua giới chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế cũng như một số nhà hoạch định chính sách đã từng lên tiếng cảnh báo: tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc ngày càng gia tăng, tới hơn 30 tỷ USD; Sự phụ thuộc quá sâu vào các nguồn vật tư, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc trong các ngành dệt may, da giày, cho tới trang thiết bị, máy móc. Đặc biệt, hơn 100 công trình, dự án trọng điểm đều nằm trong tay các nhà tổng thầu Trung Quốc, nhất là ngành năng lượng. Vì vậy, đây là lúc cần có các chính sách, lộ trình và bước đi thích hợp để lập lại thăng bằng trong cán cân kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Vị chuyên gia kinh tế đề xuất, cần ký kết hợp đồng xuất khẩu những mặt hàng Trung Quốc cần, đồng thời chỉ nhập khẩu những mặt hàng mà doanh nghiệp thật sự cần thiết, tránh xuất khẩu quá nhiều và quá lâu qua đường tiểu ngạch dễ bị đối tác Trung Quốc gây sức ép. Vào thời điểm “nóng” này, càng cần phải đẩy mạnh năng lực ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu phù hợp với các hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia.

Chúng ta không hề bất ngờ trước “sự kiện Biển Đông”, chắc chắn sẽ chủ động phòng ngừa trước những nguy cơ có thể xảy ra trong kinh tế, thương mại…

Tin cùng chuyên mục