Chủ động nguồn nguyên liệu, giảm tổn thương cho nền kinh tế

ANTĐ - Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc không còn là câu chuyện mới, nhưng trong bối cảnh hiện nay lại có thêm những thách thức đặt ra với doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều ngành sản xuất lo lắng không nhập đủ nguyên liệu sản xuất.

Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc và đã đến lúc cần thay đổi!

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,32 tỷ USD, bao gồm chủ yếu là nông sản và các nguyên liệu thô. Trong khi đó, chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc 36,96 tỷ USD, chủ yếu là các nguyên vật liệu cho các thành phẩm như linh kiện điện thoại di động, phụ kiện cho dệt may và da giày, các trang thiết bị cho nhà máy điện… 

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh bên lề hội nghị về thu hút vốn đầu tư trong nông nghiệp vừa diễn ra cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần tính toán trước các bước đi của phía đối tác Trung Quốc. Trong đó, “cần tính đến khả năng Trung Quốc sẽ ngừng không xuất khẩu và cũng ngừng không nhập khẩu từ nước ta. Nếu Trung Quốc ngừng quan hệ thương mại với Việt Nam thì tác động đến nền kinh tế của Việt Nam rất lớn” - ông Lê Đăng Doanh nói. Theo vị chuyên gia này, phía doanh nghiệp không thể loại trừ khả năng xấu nhất trong giao thương với Trung Quốc, để giảm tổn thương cho nền kinh tế. 

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lại đánh giá, “trong họa có phúc”. Việt Nam hiện giao lưu thương mại với 243 nước trên thế giới nên các sản phẩm chúng ta nhập của Trung Quốc không phải là không thay thế được. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tìm đến các thị trường mới có nguyên liệu thay thế nguyên liệu từ Trung Quốc. “Chúng ta có thể thay thế được và phải chủ động thay thế, tích cực thay thế, và đừng có vương vấn” - ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Dự báo được diễn biến này, từ giữa tháng 5-2014, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn gửi các doanh nghiệp trong ngành chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Các thị trường tiềm năng khác mà Việt Nam có thể hợp tác là: nhập khẩu xơ từ thị trường Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia; nhập khẩu sợi từ thị trường Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ; nhập khẩu vải từ thị trường Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia… Theo ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty May Garmex Sài Gòn, Garmex hiện vẫn phải nhập khẩu 50% nguyên liệu từ Trung Quốc nhưng công ty đang thăm dò các thị trường nhập khẩu khác như Malaysia để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu. Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam chia sẻ, do thuế nhập khẩu các nước ASEAN hiện là 0% nên nhiều doanh nghiệp nhựa đã tăng nhập nguyên liệu từ khu vực này thay vì từ Trung Quốc (hiện chịu mức thuế 5%). 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cung cấp thì doanh nghiệp trong nước cần có các biện pháp thiết thực để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí cũng là một cách giúp kinh tế Việt Nam đứng vững trước mọi khó khăn.