Chủ động nguồn cung vaccine để đẩy nhanh tốc độ dập dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bắt đầu từ thứ hai tuần tới (8-3), Việt Nam sẽ chính thức triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên. Đây là một mốc quan trọng trong “cuộc chiến” chống đại dịch. Nhưng để chiến thắng dịch bệnh nhanh hơn thì điều quan trọng là phải chủ động được nguồn vaccine.
Việt Nam sẽ chính thức triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên vào ngày 8-3-2021

Việt Nam sẽ chính thức triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên vào ngày 8-3-2021

“Ánh sáng cuối đường hầm” từ vaccine phòng Covid-19

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đang diễn ra khẩn trương trên quy mô toàn cầu. Những thành công của chiến dịch này đang mang tới “ánh sáng cuối đường hầm” với nhiều nước vốn phải chịu hậu quả nặng nề bởi Covid-19, đồng thời mở cơ hội đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch.

Từng là một trong những nước châu Âu phải hứng chịu “đòn tấn công” khủng khiếp nhất của virus SARS-CoV-2, đến mức dư luận cho rằng Thủ tướng Anh Boris Johnson có thể mất chức vì cách thức đối phó không hiệu quả với Covid-19, giờ nước Anh đã lên kế hoạch 4 bước nới lỏng dần các hạn chế phòng chống dịch, tiến tới bình thường hóa cuộc sống, sớm nhất là từ ngày 21-6-2021.

Là nước đầu tiên bắt đầu chương trình tiêm phòng toàn dân vaccine ngừa Covid-19 (từ ngày 8-12 năm ngoái), đến nay đã có hơn 18 triệu người được tiêm, trong đó 600.000 người đã tiêm đủ 2 mũi. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ tiêm 2,9 triệu liều mỗi tuần, toàn bộ người trưởng thành tại Anh có thể được tiêm vaccine vào cuối tháng 9. Thành công của Anh chính là nhờ chủ động với nguồn cung và duy trì tốc độ chủng ngừa thuộc nhóm dẫn đầu thế giới.

Cũng như Anh, Israel bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 rất sớm, (từ ngày 20-12 năm ngoái). Với hơn 53% dân số đã được tiêm mũi đầu tiên và gần 40% dân số đã tiêm đủ 2 mũi, Israel đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ dân số được tiêm vaccine bình quân đầu người. Người dân Israel nay đang dần làm quen với cuộc sống bình thường như trước đại dịch. Các cơ sở kinh doanh, giải trí mở cửa trở lại, những người tiêm vaccine được quyền đi lại tự do và có thể tham gia các sự kiện công cộng.

Ở Mỹ, nhờ sự xuất hiện của loại vaccine Covid-19 một liều duy nhất do Hãng Johnson & Johnson sản xuất, nước này có khả năng chủng ngừa cho toàn bộ người trưởng thành vào cuối tháng 5 tới, sớm hơn gần 2 tháng so với dự kiến. Thống đốc bang Texas Greg Abbott đã cho phép các doanh nghiệp bị hạn chế do dịch được mở lại “100%”. Theo ông Greg Abbott, quyết định trên được đưa ra do bang Texas hiện có công cụ để bảo vệ người dân trước đại dịch, với nguồn cung vaccine cũng như việc xét nghiệm và điều trị tốt hơn.

Hiệu ứng tích cực từ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cũng xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ ban hành loại “Giấy thông hành xanh”, cung cấp bằng chứng về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng như các kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 để cho phép người dân được di chuyển an toàn trong EU hoặc ngoài EU để làm việc hoặc du lịch.

Tại khu vực Đông Nam Á, Brunei - nước Chủ tịch ASEAN 2021 cũng đề xuất cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 kỹ thuật số chung cho cả khối để có thể nhanh chóng mở cửa trở lại các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như du lịch. Trong ASEAN, Thái Lan đang chuẩn bị áp dụng “hộ chiếu vaccine” hoặc một biện pháp tương tự cho phép khách du lịch nước ngoài đã tiêm vaccine không phải cách ly nhằm đảm bảo có ít nhất 5 triệu lượt du khách nước ngoài đến nước này trong năm 2021.

“Thần tốc hơn” để chủ động có vaccine

Hiệu quả của vaccine trong việc phòng ngừa Covid-19 đã rõ. Nhưng để “phủ sóng” vaccine trên toàn cầu hay toàn bộ người dân một nước là điều không dễ dàng bởi thực trạng thiếu hụt vaccine hiện nay, nhất là với những nước nghèo. Theo các chuyên gia Liên hợp quốc, dù đầu tư công và tư vào sản xuất vaccine hiện ở mức chưa từng có tiền lệ, song ước tính vẫn cần thêm 6,8 tỷ USD trong năm 2021 mới có thể bảo đảm sản xuất và cung ứng vaccine cho 92 quốc gia đang phát triển.

Trong khi đó, “chủ nghĩa dân tộc vaccine” lại đang nổi lên, trở thành một trở ngại với việc tiêm chủng phòng Covid-19 rộng rãi trên toàn cầu. Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã cam kết tham gia COVAX - một sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm tăng tốc phát triển, sản xuất và bảo đảm tiếp cận công bằng với các phương pháp xét nghiệm, điều trị và vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, “chủ nghĩa dân tộc vaccine” với việc các nước giàu “nhanh tay” mua, dự trữ vaccine với khối lượng lớn có thể khiến sáng kiến COVAX không hiệu quả.

Chẳng hạn như Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành Cơ chế minh bạch và kiểm soát việc xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 với Liên minh châu Âu (EU), coi đó như một cách thức “tự vệ chính đáng” của EU trước các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cũng như tình trạng khan hiếm vaccine hiện nay. Dựa vào cơ chế này, Italy đã từ chối cấp phép xuất khẩu 250 nghìn liều vaccine của AstraZeneca sang Australia khiến dư luận bất bình.

Chính vì thế, nhanh chóng triển khai tiêm vaccine và bảo đảm nguồn cung vaccine là yêu cầu quan trọng trong cuộc chiến với Covid-19. Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 cuối tháng 2-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải có vaccine với tinh thần “thần tốc hơn” với những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt, đúng đối tượng, làm sao để có khối lượng vaccine cần thiết phục vụ nhân dân.

Cho đến nay, Việt Nam đã có 3 nguồn vaccine trong năm 2021. Đầu tiên là nguồn từ chương trình COVAX với khoảng 30 triệu liều. Nguồn thứ 2 là của Astra Zeneca cũng với 30 triệu liều. Nguồn thứ 3 là vaccine của Pfizer mà hiện Việt Nam đang đàm phán để có thể có 30 triệu liều trong năm 2021. Bộ Y tế dự kiến sẽ cấp phép thêm cho vaccine của Nga, đồng thời thúc đẩy mua vaccine của Ấn Độ và một số công ty tư nhân…

Cùng với nhập vaccine, Việt Nam còn chủ động với nguồn vaccine nội địa. Hiện nay, các loại vaccine trên toàn cầu chỉ có mức độ bảo vệ khoảng 6 tháng đến 1 năm. Do biến chủng virus nhiều, hiệu lực bảo vệ của vaccine chỉ trong thời gian nhất định. Vì thế, phát triển vaccine là vấn đề mấu chốt và Việt Nam coi việc chủ động sản xuất vaccine là vấn đề an ninh, sức khỏe.

Theo định hướng đó, cuối tháng 2 vừa rồi, giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax do Học viện Quân y sản xuất đã được tiến hành. Đến đầu tháng 5-2021, sẽ bước sang thử nghiệm giai đoạn 3 trong vòng 4 - 5 tháng. Vaccine thứ 2 của Việt Nam do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển là COVIVAC cũng đang chuẩn bị được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Tiếp đó là vaccine thứ 3 do VABIOTECH sản xuất. Với tiến độ trên, dự kiến đến năm 2022, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine, từ đó chủ động nguồn cung để đối phó hiệu quả với đại dịch.

Tin cùng chuyên mục