Chốt hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021 trong tháng 10

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Kỳ thi năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020, vì vậy, các em học sinh, giáo viên và phụ huynh có thể yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa báo cáo Chính phủ về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Trong đó, Bộ trưởng khẳng định, qua 6 năm thực hiện, lộ trình đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đến lúc này đã hoàn thành, việc tổ chức kỳ thi sau năm 2020 cơ bản ổn định.

“Kỳ thi năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020, vì vậy, các em học sinh, giáo viên và phụ huynh có thể yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Tuy nhiên để nâng cao chất lượng kỳ thi này, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung chủ yếu vào 2 khâu: Ngân hàng đề thi và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Theo đó, những năm tiếp sau, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ vào kiểm tra, đánh giá cho phù hợp; thí điểm, tiến tới mở rộng hình thức thi trên máy tính.

Đồng thời, sẽ chú trọng phát triển ngân hàng câu hỏi phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Chưa triển khai thi tốt nghiệp trên máy tính trong năm 2021

Chưa triển khai thi tốt nghiệp trên máy tính trong năm 2021

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT cần tập trung xây dựng ngân hàng đề thi ngày càng phong phú, có lộ trình công khai để thí sinh học, ôn luyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, có lộ trình tiến tới thi qua máy càng nhiều càng tốt, thi nhiều đợt trong năm, thi qua các trung tâm khảo thí độc lập, thi tại trường.

Được biết, dự kiến, hướng dẫn về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trong tháng 10/2020.

Thực tế, câu hỏi được nhiều người đặt ra là với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 98-99% mỗi năm thì liệu có cần duy trì kỳ thi tốt nghiệp hay không. Trả lời câu hỏi này các thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã thảo luận và cùng đồng thuận “kỳ thi là cần thiết”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: “Phải thi, không thi học sinh không học”. Lí giải thêm, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu không thi mà xét học bạ, trong khi điểm học bạ mỗi vùng miền, trường học khác nhau sẽ dẫn tới tiêu cực. “Cơ bản kỳ thi như năm vừa rồi, nên ổn định, không nên thay đổi nữa” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Từ thực tế quá trình giảng dạy và đánh giá học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoà, Hà Nội nêu quan điểm, nếu không tổ chức kỳ thi thì không chỉ học sinh không có động lực học tập, mà các thầy cô cũng không nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học.

“Kết quả của mỗi kỳ thi không chỉ thể hiện qua điểm số mà bản thân các thầy cô, học sinh qua đây cũng rèn luyện kỹ năng, ý chí để vượt qua thử thách. Mỗi giáo viên, học sinh đều có nhu cầu được đánh giá đúng năng lực của mình thông qua kết quả kỳ thi. Vì vậy, kỳ thi là rất cần thiết”, cô Nguyễn Thị Nhiếp trao đổi.