“Chốt an toàn” kinh tế

ANTĐ - Lợi ích kinh tế rất có thể trở thành chiếc "chốt an toàn" để tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản không vượt tầm kiểm soát khi người đứng đầu định chế tài chính lớn nhất nhì toàn cầu đã phải lên tiếng để hai cường quốc kinh tế lớn thứ 2 và 3 thế giới cùng "hạ nhiệt".

Người biểu tình Trung Quốc đập phá một chiếc ô tô nhãn hiệu Honda của Nhật Bản

Phát biểu với báo chí tại Washington (Mỹ) ngày 2-10, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng liên quan tới tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Bà Lagarde nhấn mạnh: "Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều là hai đầu tàu kinh tế chủ chốt không nên để vấn đề tranh chấp lãnh thổ làm lệch hướng. Tình hình kinh tế hiện nay và kinh tế toàn cầu cần cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc can dự một cách đầy đủ".

Việc người đứng đầu một tổ chức tài chính quốc tế lớn như bà Lagarde kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản tìm kiếm giải pháp cho cuộc tranh chấp lãnh thổ được xem là chuyện hiếm thấy xưa nay. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tác động tiêu cực ảnh hưởng tới lĩnh vực kinh tế của cuộc tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật, hoàn toàn có thể hiểu vì sao mà Tổng giám đốc IMF phải lên tiếng.

Cùng với ngoại giao thì kinh tế là lĩnh vực chịu tác động xấu đầu tiên từ cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Những cuộc biểu tình chống Nhật Bản tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc đã biến thành các cuộc bạo động nhằm vào những nơi bán hàng hoá, chi nhánh hãng, công ty của Nhật Bản.

Vào giai đoạn cao trào của làn sóng biểu tình, bạo động, tẩy chay hàng hoá... của Nhật Bản trung tuần tháng 9 vừa qua, nhiều hãng lớn của Nhật Bản như Toyota, Honda, Mazda, Panasonic, Canon... đã phải đóng cửa các nhà máy, chi nhánh, cửa hàng tại Trung Quốc. Hai hãng hàng không All Nippon Airways và Japan Airlines cho biết, hơn 52.000 chỗ đặt trước từ Nhật Bản đến Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến 11-2012 đã bị khách hàng hủy bỏ. 

Cổ phiếu của nhiều công ty Nhật Bản có mối quan hệ làm ăn lớn với thị trường Trung Quốc đã sụt giảm khá mạnh. Do đó, nếu tranh chấp lãnh thổ tiếp tục kéo dài và leo thang sẽ tác động rất tiêu cực tới nhiều công ty Nhật Bản nói riêng cũng như cả nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này nói chung vì Trung Quốc hiện là bạn hàng lớn thứ ba của Nhật Bản với tổng kim ngạch buôn bán 2 chiều Nhật-Trung đạt 345 tỷ USD trong năm 2011.

Gia tăng đối đầu và căng thẳng với Nhật Bản cũng tác động tiêu cực không kém tới kinh tế Trung Quốc bởi Nhật Bản hiện là nhà đầu tư hàng đầu vào nước này. Việc nhiều công ty Nhật Bản tính tới chuyện rút vốn đầu tư để chuyển sang khu vực Đông Nam Á là tín hiệu xấu với kinh tế Trung Quốc vốn tăng trưởng dựa khá nhiều vào đầu tư nước ngoài.

Lo ngại hệ luỵ tiêu cực sang lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cảnh báo, tranh chấp lãnh thổ Nhật - Trung không chỉ "mang tới hệ quả xấu cho nền kinh tế hai nước mà còn ảnh hưởng cả kinh tế toàn cầu". Chính vì thế, Tổng giám đốc IMF đã hối thúc Trung Quốc và Nhật Bản cùng nỗ lực để tìm ra tiếng nói chung giải quyết tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản hay Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc. Nữ Tổng giám đốc IMF cho rằng, các nước láng giềng này “cần có một mức độ nhượng bộ nhất định” để cùng chung sống hoà bình, ổn định.