Chống tội phạm trong “tháng củ mật“

ANTĐ  - Tháng cuối năm theo cách gọi dân gian “tháng củ mật” là thời điểm gia tăng các hoạt động phạm tội. Lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của người dân, bọn tội phạm liên tiếp gây ra các vụ cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản gây hoang mang trong dư luận. Chủ động phòng ngừa tội phạm trong “tháng củ mật” này, CATP Hà Nội đã lên kế hoạch đấu tranh, chủ động phòng ngừa với các loại tội phạm. Đã có nhiều đối tượng trộm cắp bị bắt giữ, đã có nhiều đường dây trộm cắp liên tỉnh gây ra hàng loạt các vụ án lớn bị công an triệt phá. Song, cơ quan công an cũng khuyến cáo tới người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ tài sản của mình. 
Chống tội phạm trong “tháng củ mật“ ảnh 1

Trộm cắp “vào mùa”

Thông thường theo quy luật, thời điểm cuối năm là thời điểm nạn trộm cắp gia tăng hoạt động mạnh nhất, bởi lúc này mọi người bận rộn việc mưu sinh, mua sắm, gom góp tiền bạc về quê, nên thường lơ là mất cảnh giác. Nếu như bọn tội phạm thường coi thời điểm này là “mùa” làm ăn của mình, thì lực lượng công an lại phải căng sức để chủ động phòng chống loại tội phạm này. Đặc biệt đối với địa bàn Hà Nội là nơi giao thương buôn bán, rất nhiều người dân ở các tỉnh về Hà Nội lấy hàng Tết, đồng thời cũng nhiều loại tội phạm lừa đảo, móc túi, trộm cắp ở các tỉnh dạt về Hà Nội hành nghề kiếm ăn. Chính vì thế cuối năm cũng thường là thời điểm gia tăng các hoạt động tội phạm do các đối tượng phạm tội từ tỉnh ngoài. 

Giữa tháng 11-2014, qua công tác nắm bắt tình hình, CAP Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội phát hiện 3 nam thanh niên đang đứng gần khu vực cổng làng Dịch Vọng Hậu có biểu hiện nghi vấn. Bí mật theo dõi thì thấy 3 đối tượng trên đang có ý định trèo tường đột nhập vào nhà dân với ý đồ trộm cắp nên đã khống chế tóm gọn và áp tải về trụ sở công an phường. Tại cơ quan công an, 3 đối tượng gồm: Nguyễn Đắc Dương, SN 1990, ở Tân Lập, Tân Kỳ, Nghệ An; Mai Hải Việt, SN 1990, trú tại Thanh Ba, Phú Thọ và Nguyễn Tuấn Anh, SN 1990, trú tại Đông Sơn, Tuyên Quang. Các đối tượng khai nhận, thời điểm bị bắt là lúc cả nhóm đang chờ đồng bọn đột nhập nhà dân để trộm cắp. Khi biết cả nhóm bị bắt nên Linh đã tìm đường tẩu thoát. Nhóm đối tượng này thường thuê phòng tại một nhà nghỉ ở quận Nam Từ Liêm. Hàng đêm cả nhóm thuê taxi đi khắp Hà Nội tìm sơ hở để trộm cắp tài sản. Lực lượng công an phát hiện và thu giữ 10 máy tính xách tay, hàng chục ĐTDĐ và đồ nghề bọn chúng sử dụng để đi trộm cắp như vam phá khóa, kìm cộng lực, tuốc nơ vít...

 Xác định tình hình phức tạp về an ninh trật tự trong dịp này, Phòng Cảnh sát Hình sự - CATP Hà Nội đã xác lập chuyên án, phối hợp với các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã đấu tranh với tội phạm trộm cắp trên địa bàn thành phố. Sau một thời gian áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, cuối tháng 11 vừa qua Phòng Cảnh sát Hình sự cùng CAQ Hoàng Mai đã tổ chức bắt giữ đối tượng Trần Văn Long, SN 1987, trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và Nguyễn Thị Thu Hiền, SN 1994, trú tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội thủ phạm của nhiều vụ trộm cắp đã xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội. Hai đối tượng này thường lang thang vào ban ngày, tìm đến các khu chung cư hoặc những nhà dân ở sâu trong ngõ, ít người chú ý để tìm cách đột nhập.

Công cụ mà Long và Hiền mang theo là kìm thủy lực, kìm cộng lực và các thiết bị phá khóa tinh vi khác, được ngụy trang khéo léo trong những túi đựng vợt cầu lông, hay ống đựng giấy vẽ của sinh viên kiến trúc. Mỗi một loại khóa, Long lại chọn một công cụ phù hợp. Thủ đoạn được biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau, và mục tiêu mà các đối tượng này nhắm đến là những chiếc két sắt vốn được xem là an toàn. Tổng cộng bộ đôi này đã gây ra 12 vụ trộm cắp, lấy đi nhiều tài sản gồm: Xe máy, máy tính, điện thoại di động, 12 cây vàng, nhiều bộ trang sức có giá trị các loại, tiền mặt, thậm chí cả sổ đỏ và cổ phiếu… Tổng giá trị tài sản khoảng trên 1 tỷ đồng.

Xe máy dễ thành miếng mồi ngon

Trộm xe là một hình thức “dễ ăn” nhất nên trong dịp cuối năm các băng nhóm tội phạm cũng thường nhằm vào loại tài sản này. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Hình sự CATP Hà Nội nếu gần 50% số vụ phạm pháp hình sự là trộm, thì 2/3 số vụ trộm được ghi nhận là trộm xe gắn máy. Tại quận Long Biên, Hà Nội, chỉ trong những tháng cuối năm, trên địa bàn quận đã có hàng loạt chiếc xe máy bị “nhảy” mất…

Kiên trì tổ chức đấu tranh, CAP Thạch Bàn phối hợp với CAQ Long Biên từ việc kiểm tra hành chính đã phát hiện ra đường dây trộm cắp và tiêu thu xe máy, bắt 3 đối tượng, thu giữ 5 chiếc xe máy là tang vật của các vụ trộm cắp do các đối tượng này gây ra. Cũng trên địa bàn quận Long Biên, mới đây CQĐT CAQ Long Biên, Hà Nội đã điều tra mở rộng, làm rõ hành vi phạm tội của đối Nguyễn Văn Quân (SN 1986), trú tại thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, Gia Lâm, và Nguyễn Thái Sơn (trú ở phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Trong vòng chưa đầy 1 tháng, cặp đôi nay đã thực hiện trót lọt khoảng 10 vụ trộm cắp xe máy và tài sản khác trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó 4 vụ trộm tại quận Long Biên. Sau mỗi phi vụ, các đối tượng thường mang xe máy về Hải Phòng bán, rồi lấy tiền chia nhau.

Cũng trong thời đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm trong dịp cuối năm, cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đối tượng trong đường dây trộm cắp xe máy xuyên quốc gia do Lê Duy Mạnh, SN 1984, trú tại xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cầm đầu. Theo kết quả điều tra, Mạnh đã từng thụ án tù tại Thanh Hóa, sau đó hắn lang thang lên Hà Nội, móc nối với đồng bọn và rủ nhau lập băng nhóm chuyên trộm cắp xe máy. Ổ nhóm của Mạnh thường hoạt động vào ban đêm. Ban ngày, các đối tượng tập trung, thuê nhà nghỉ ở cùng nhau tại địa bàn phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đêm đến, Mạnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Mục tiêu của băng nhóm do Mạnh cầm đầu nhằm vào các khu nhà trọ sơ hở trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.

Khi đã xác định được mục tiêu, Mạnh đích thân vào phá khóa xe máy. Sau khi lấy trộm được, chúng liên hệ với một đường dây tiêu thụ khác tại các tỉnh xa hoặc những nơi hẻo lánh để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Thậm chí, Mạnh còn mang sang Lào để tiêu thụ. Đấu tranh mở rộng, ổ nhóm của Mạnh khai nhận đã gây ra gần 20 vụ, lấy đi trên 20 xe máy các loại.

Cảnh giác với cướp giật trên đường

Theo một cán bộ của Đội phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm cướp, cướp giật tài sản, Phòng Cảnh sát Hình sự CATP Hà Nội, lợi dụng dịp cuối năm các đối tượng cướp giật thường gia tăng hoạt động. Không chỉ lợi dụng sự sơ hở của người đi đường khi đang nghe điện thoại hay treo túi xách ở những vị trí hớ hênh, các đối tượng phạm tội còn chọn khu vực chợ búa người dân ở các tỉnh về lấy hàng như chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào… tại các khu vực bến xe, bến tàu… Hay cả những khu vực vắng người vào những thời điểm đêm tối muộn để ra tay hành động. Vụ việc do CAP Tây Tựu và CAQ Bắc Từ Liêm triệt phá mới đây là một ví dụ. Chỉ trong những ngày đầu tháng 12, tại khu vực ngã tư Nhổn vào cổng khu B Đại học Công nghiệp liên tiếp xảy ra hơn 10 vụ cướp giật tài sản. Sau khi nhận được trình báo của các bị hại, CAQ Bắc Từ Liêm đã phối hợp với CAP Tây Tựu triển khai phương án tuần tra, mật phục, vây bắt nhóm đối tượng gây án. Khoảng 22h ngày 5-12, trong khi đang làm nhiệm vụ, tổ công tác phát hiện 2 nam thanh niên có dấu hiệu tăm tia cướp giật tài sản đã kiểm tra hành chính và đưa về trụ sở CAP để làm việc.

Tại cơ quan công an, 2 đối tượng Nguyễn Trọng Đạt và Đặng Tài Hùng khai trong vòng 30 phút trước đó vừa gây ra liên tiếp 2 vụ cướp giật tài sản, trong đó có 1 vụ chúng cướp giật túi xách trên giỏ xe đạp của 2 người phụ nữ đèo nhau. Tiếp tục khai thác, các đối tượng thừa nhận đã gây ra hơn 10 vụ trên địa bàn này và sử dụng chiếc xe máy nhãn hiệu Wave màu đỏ mang BKS: 88S2-5800 làm phương tiện để cướp giật tài sản. Khi phát hiện những  phụ nữ đi xe đạp hoặc đi bộ nghe điện thoại, bọn chúng  áp sát, cướp giật tài sản. Cơ quan CSĐT CAQ Bắc Từ Liêm đã ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Trọng Đạt và Đặng Tài Hùng để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. 

Quan trọng vẫn là ý thức tự phòng ngừa

Qua khám nghiệm hiện trường các vụ trộm trộm cắp tài sản xảy ra trong những dịp cuối năm cho thấy tội phạm vẫn sử dụng những các thủ đoạn cũ như cậy phá khóa cửa ra vào, phá chấn song, nan hoa cửa sổ, leo ban công hoặc đột nhập từ tum. Loại trộm “chuyên nghiệp” này trước khi gây án đều đã dành thời gian tìm hiểu rất kỹ các quy luật sinh hoạt của gia chủ để chọn thời điểm ra tay. Nhiều vụ, chúng còn bỏ thời gian để khảo sát, tìm ra điểm dễ đột nhập nhất. Các khu dân cư có nhiều hộ dân thường xuyên vắng nhà cả ngày là một trong những mục tiêu mà bọn trộm nhắm tới bởi chúng có nhiều thời gian để thực hiện hành vi phá cửa, lục soát tài sản.

Không chỉ đột nhập nhà có người ở, kẻ gian còn nhằm vào các công trình xây dựng đang trong giai đoạn hoàn thiện, lợi dụng sơ hở của người trông coi để trộm cắp các thiết bị nội thất đắt tiền.

Thời điểm từ nay đến Tết Âm lịch được dự báo là sẽ có những diễn biến phức tạp về tội phạm hình sự. Trong đó, tội phạm trộm cắp, cướp giật vốn đã “nóng” sẽ còn “nóng” hơn với những thủ đoạn mới, manh động và liều lĩnh. CATP Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường những biện pháp mạnh để đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm hình sự, trong đó có tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản tại các điểm, tuyến trọng điểm. Tuy nhiên, theo chỉ huy của Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội, để đảm bảo an toàn tài sản trong những ngày cuối năm này, hiệu quả nhất vẫn là ý thức tự phòng ngừa của người dân và các cơ quan đơn vị. Đối với các hộ dân cư, trước khi đi ngủ phải kiểm tra đóng các cửa chính, cửa sổ, cửa thông gió, đồng thời cần phải gia cố, sửa chữa kịp thời các chỗ bị hư hỏng mà bọn trộm có thể cạy phá đột nhập, các lỗ thông gió cần có thanh sắt chắn ngang…

Các chủ xe máy cũng cần phải có ý thức bảo vệ tài sản của mình bằng cách lắp đặt các thiết bị chống trộm, bảo vệ, tuyệt đối không chủ quan để xe tại những khu vực không có người trông giữ. Để tránh việc trở thành nạn nhân của việc cướp giật tài sản trên đường phố, cần tránh hạn chế đi một mình, nhất là ở những đoạn đường vắng, thiếu ánh sáng hoặc đi vào những nơi mà bạn chưa quen đường, hạn chế việc đi sớm về khuya ở những đoạn đường không an toàn. hạn chế đi một mình, nhất là ở những đoạn đường vắng, thiếu ánh sáng hoặc đi vào những nơi mà bạn chưa quen đường, hạn chế việc đi sớm về khuya ở những đoạn đường không an toàn. Những người từ các tỉnh về Hà Nội lấy hàng về bán trong dịp Tết thường mang theo nhiều tiền đi lấy hàng, cần cảnh giác với bọn tội phạm cướp giật, móc túi và nếu buôn bán với số lượng tiền lớn thì nên thanh toán qua hệ thống ngân hàng hoặc chuyển khoản, tránh mang quá nhiều tiền khi đi tàu xe dễ bị các đối tượng lợi dụng trộm cắp, cướp giật.

Để đấu tranh với các đối tượng phạm tội tháng củ mật, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, phòng ngừa của cơ quan công an, thì người dân cần hết sức nâng cao ý thức cảnh giác và đặc biệt tại các khu dân cư, cần đẩy mạnh phong trào tự quản trong nhân dân để giúp nhau trong việc bảo vệ tài sản.