Chống tội phạm rửa tiền không dễ

ANTĐ - Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Ngọc - Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam đã xây dựng và vận hành cơ chế phòng chống rửa tiền phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng được chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, về cơ sở pháp lý để đấu tranh với loại tội phạm này vẫn còn nhiều bất cập.

Các ngân hàng đã phát hiện gần 51.000 tỷ đồng giao dịch đáng ngờ trong năm 2012

Dễ bị lợi dụng

Theo nhận định của các chuyên gia, với thói quen dùng tiền mặt và hoạt động thương mại, đầu tư ngày càng gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, Việt Nam dễ bị tội phạm rửa tiền lợi dụng. Thời gian vừa qua, trong quá trình điều tra một số vụ án, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều đối tượng có hành vi rửa tiền. Tuy nhiên việc đưa ra truy tố các đối tượng rửa tiền không dễ dàng. 

Một trong những vụ án gây chấn động dư luận là vụ Huỳnh Thị Huyền Như tại TP.HCM lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của cá nhân, tổ chức, sau đó có hành vi che giấu, chuyển tiền bất hợp pháp. Ban đầu cơ quan công an đã khởi tố 2 đối tượng trong vụ án này về tội danh rửa tiền với nguồn tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng không hợp pháp để cho Huỳnh Thị Huyền Như vay với lãi suất cao. Tuy nhiên, sau đó Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã đề nghị chuyển đổi tội danh thành tội “cho vay nặng lãi” để xử lý.

Vụ án liên quan tới việc kinh doanh tiền điện tử Liberty Reserve (hệ thống này bị Mỹ cáo buộc có hoạt động rửa tiền lên tới hàng tỷ USD), đối tượng Vũ Văn Lăng (sinh năm 1983, trú tại phường Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng) đã thành lập Công ty Cổ phần Thịnh Vũ phục vụ việc kinh doanh tiền điện tử Liberty Reserve. Qua xác minh, Lăng đã lấy tên của hơn 1.000 người và thực hiện gần 60.000 giao dịch với tổng số tiền hơn 24,5 triệu USD (tương đương hơn 404 tỷ đồng). Sau khi bị bắt, Vũ Văn Lăng bị truy tố về hành vi kinh doanh trái phép, còn hành vi rửa tiền được cơ quan điều tra tách ra để xem xét, điều tra khi có thông tin từ cơ quan điều tra nước ngoài cung cấp.

Chưa có đánh giá chính thức

Theo Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, hiện chưa có đánh giá chính thức của cơ quan thẩm quyền về tình hình tội phạm rửa tiền ở Việt Nam. Nguyên nhân là năm 2009, Quốc hội mới thông qua sửa đổi Bộ Luật Hình sự 1999, sửa đổi điều 251 thành tội rửa tiền, Luật sửa đổi bổ sung này có hiệu lực từ 1-1-2010. Nhưng khi có tội danh rồi, cũng chưa có thể truy tố xét xử tội này, vì nó còn khá mởi mẻ ở Việt Nam và chế tài chưa có nhiều. 

Trước những khó khăn đó, cuối năm 2011, Bộ Công an, NHNN, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao đã phối hợp ban hành thông tư hướng dẫn điều luật về rửa tiền quy định trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi và đến 7-2-2012 mới có hiệu lực. Đến lúc này mới có cơ sở pháp lý cho cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng có căn cứ về tội rửa tiền. 

Ông Nguyễn Văn Ngọc nhận định: “Việc đấu tranh với tội  phạm phòng chống rửa tiền của Việt Nam còn những hạn chế về cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã đạt được những tiến bộ như đã xây dựng và vận hành cơ chế phòng chống rửa tiền, hoàn thiện cơ sở pháp lý, hình sự hóa tội phạm rửa tiền, nâng cấp Nghị định 74 của Chính phủ năm 2004 thành luật…”.

Những nỗ lực trong việc đấu tranh với loại hình tội phạm này cũng được thể hiện qua việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống rửa tiền, thành lập Cục Phòng chống rửa tiền. Ngoài ra, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã có các đầu mối để phối hợp với NHNN trong phòng chống rửa tiền.

Tại cuộc họp mới đây do Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền tổ chức nhằm đánh giá công tác phòng, chống rửa tiền và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền cho biết: “Một số quy định của các cam kết quốc tế mà hiện nay ta đang tìm cách thực hiện cho phù hợp với quy định trong nước là việc hình sự hoá pháp nhân, việc xử lý, phong toả tài sản của cá nhân, tổ chức…”.

“Các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm cụ thể hoá các cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền để thực thi trong điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta, đồng thời đảm bảo hội nhập với thế giới để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 


Theo báo cáo của NHNN, tổng số giao dịch đáng ngờ trong năm 2012 là hơn 50.933 tỷ đồng. NHNN đã cung cấp 165 báo cáo để chuyển cơ quan công an và cơ quan thanh tra chuyên ngành xem xét, xác minh.