Chống tội phạm nhờ người "siêu nhận dạng"

ANTD.VN - Các chuyên gia của Đại học Bournemouth, Anh vừa mới công bố một công trình nghiên cứu về những người có khả năng đặc biệt: nhận dạng khuôn mặt. Theo đó, những người có khả năng nhận dạng sẽ là “nguồn lực quý”, hỗ trợ tích cực cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Chống tội phạm nhờ người "siêu nhận dạng" ảnh 1Đội ngũ chuyên gia “siêu nhân dạng” sẽ giúp hoạt động của lực lượng cảnh sát đạt hiệu quả cao hơn

2% dân số có khả năng “siêu nhận dạng”

Các chuyên gia cho biết, hầu hết chúng ta gặp khó khăn trong việc ghi nhớ khuôn mặt của những người mới quen hoặc lâu không gặp. Ngay cả các cán bộ làm công tác kiểm tra hộ chiếu có kinh nghiệm cũng không tránh được lỗi, khi “bỏ lọt” những đối tượng sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo. Tuy nhiên, trong thực tế, một số ít người rất giỏi trong việc nhận dạng khuôn mặt. Những người này thường được gọi bằng thuật ngữ “siêu nhận dạng”. Khả năng kỳ lạ này thể hiện ở chỗ, họ có thể nhận diện khuôn mặt, nhớ những người không gặp trong nhiều thập kỷ, những người có thay đổi nhiều về ngoại hình hoặc những người mà họ chỉ gặp trong thời gian ngắn. 

Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác về những người thực sự có khả năng đặc biệt về nhận dạng khuôn mặt. Bài kiểm tra được các nhà khoa học tiến hành phổ biến là cho các ứng viên nhận dạng những ngôi sao nổi tiếng qua tấm ảnh hồi nhỏ hoặc vào thời điểm nghệ sỹ còn chưa được công chúng biết đến. Ngoài ra, các ứng viên còn phải trải qua bài kiểm tra ghi nhớ khuôn mặt của một nhóm đông người trên máy tính. Số lượng người được nhận diện đúng sẽ quy ra điểm và xác định xem ứng viên có khả năng nhận dạng khuôn mặt như thế nào. Các nhà khoa học ước tính, khoảng 2% dân số có khả năng “siêu nhận dạng”, có nghĩa là, cứ trong 50 người sẽ có một người “siêu nhận dạng”.

Quá trình khảo sát, các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi cử động mắt của các ứng viên khi họ tập trung nhìn vào khuôn mặt để nhận dạng. Một điều khá thú vị là, trong khi những người tham gia khảo sát chủ yếu nhìn đôi mắt của đối tượng thì “siêu nhận dạng” dành nhiều thời gian nhìn vào mũi của đối tượng.

Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, không có bằng chứng cho thấy, “siêu nhận dạng” có chỉ số thông minh cao hơn người bình thường hoặc vượt trội về thị giác hay ghi nhớ mà chỉ có khả năng duy nhất là nhận dạng đặc điểm trên khuôn mặt. Khả năng “siêu nhận dạng” có thể có gene di truyền. Một phát hiện quan trọng khác là, một số người có khả năng nhận dạng khuôn mặt với độ chính xác rất cao. “Ví dụ, trong khi một số “siêu nhận dạng” rất xuất sắc ở việc ghi nhớ, một số có khả năng nhớ đặc điểm “điển hình” trên gương mặt thì có những “siêu nhận dạng” rất giỏi trong việc xác định hai bức ảnh có phải được chụp từ gương mặt của một người hay hai người khác nhau. Có “siêu nhận dạng” nổi trội ở khả năng nhận dạng này nhưng lại yếu ở khả năng khác”, một chuyên gia nghiên cứu nói. 

Hỗ trợ tích cực cho điều tra tội phạm

Các nhà nghiên cứu cho rằng, phân nhóm “siêu nhận dạng” có ý nghĩa rất lớn trong việc sử dụng họ vào những công việc khác nhau trên thực tế. Ví dụ, việc kiểm tra hộ chiếu cần những “siêu nhận dạng” có khả năng xác định sự đồng nhất giữa tấm ảnh trên hộ chiếu và người thực. Trong khi đó, những “siêu nhận dạng” thuộc nhóm có khả năng nhớ đặc điểm “điển hình” của người khác có thể được sử dụng để tìm kiếm kẻ gây rối, thủ phạm, người bị mất tích qua các đoạn phim được camera ghi lại.

Từ lâu, nhận dạng khuôn mặt đã được sử dụng trong công tác điều tra tội phạm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một công trình nghiên cứu quy mô được tiến hành. “Có thể không có đủ “siêu nhận dạng” để thực hiện tất cả các nhiệm vụ tại thời gian và địa điểm khác nhau nhưng một đội ngũ ưu tú với khả năng siêu phàm này sẽ được triển khai trong thời gian cần thiết. Lực lượng cảnh sát đang tích cực phối hợp với các viện nghiên cứu để tiến hành kiểm tra, sàng lọc những cán bộ có khả năng “siêu nhận dạng”. 

“Thực tế cho thấy, công nghệ dù tiên tiến đến đâu cũng không thể thay thế con người. Những chuyên gia “siêu nhận dạng” sẽ giúp hoạt động của lực lượng cảnh sát đạt hiệu quả cao hơn”, một nhà khoa học của Đại học Bournemouth nói.