Chống tham nhũng - vũ khí tranh cử vào điện Kremlin?

(ANTĐ) - Phát biểu trước các nghị sĩ Duma quốc gia Nga hôm 14/9 sau khi được chấp nhận làm Thủ tướng, ông Victor Zubkov đã đặt cuộc chiến chống tham nhũng vào trung tâm các việc ưu tiên của chính phủ mới.

Chống tham nhũng - vũ khí tranh cử vào điện Kremlin?

(ANTĐ) - Phát biểu trước các nghị sĩ Duma quốc gia Nga hôm 14/9 sau khi được chấp nhận làm Thủ tướng, ông Victor Zubkov đã đặt cuộc chiến chống tham nhũng vào trung tâm các việc ưu tiên của chính phủ mới.

Tổng thống Putin cùng làm việc với tân thủ tướng Nga Victor Zubkov
Tổng thống Putin cùng làm việc với tân thủ tướng Nga Victor Zubkov

Để đấu tranh chống lại hiện tượng “đang xâm chiếm xã hội Nga”, ông Zubkov đã kêu gọi hình thành một cơ chế giống như cơ quan giám sát tài chính mà ông điều hành từ năm 2001. Cơ chế mới “sẽ có khả năng xử lý hàng ngày và liên tục các vấn đề về tham nhũng”.

Được chào mừng vì đã góp phần giúp nước Nga được xóa tên khỏi danh sách đen của Nhóm Hành động Tài chính (GAFI - một cơ chế phi chính phủ chịu trách nhiệm chống lại rửa tiền) vào năm 2002, tân Thủ tướng Nga dường như được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng.

Cuộc chiến chống tham nhũng vì thế đã được nêu ra như một trong những chủ đề trung tâm trong chiến dịch tranh cử hướng tới cuộc bầu cử lập pháp ngày 2/12 và cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/2008. Rất có thể đây cũng chính là chiếc “bàn đạp” để tân Thủ tướng ra tranh cử tổng thống, tất nhiên là nếu cuộc chiến này thành công. Giống như cuộc khủng hoảng Chesnia và cuộc chiến chống khủng bố từng giúp cho ông Vladimir Putin, người khi đó vẫn còn chưa được biết đến rộng rãi, lên đắc cử tổng thống vào tháng 3/2000.

Ngày 8/10 tới, tham nhũng sẽ là chủ đề chính của một phiên họp Hội đồng An ninh Nga. Một chiến lược mới nhằm đấu tranh chống tham nhũng sẽ được hé mở, một cơ chế chống tham nhũng sẽ ra đời. Chỉ còn một điều chưa chắc chắn là ai sẽ là người lãnh đạo cơ chế này. Một người thuộc FSB (cơ quan an ninh Nga mà tiền thân là KGB) hay một người của viện công tố? Hồ sơ vẫn đang nằm trong tay ông Victor Ivanov, một cố vấn của Tổng thống Nga Putin, cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong cuộc chiến này.

Vốn là một căn bệnh kinh niên trong xã hội Nga, tham nhũng đang phát triển mạnh. Theo kết quả thăm dò do trung tâm nghiên cứu dư luận Iuri Levada thực hiện mùa hè vừa rồi, 43% số người được hỏi cho rằng tham nhũng “là vật ngăn cản chính đối với sự phát triển kinh tế của đất nước”.

Từ tháng 7/2006, sau khi có bản báo cáo gọi tệ nạn tham nhũng là mối đe dọa của quốc gia, Tổng thống Putin đã đưa công tác chống tham nhũng thành ưu tiên hàng đầu của Nhà nước. Các cơ quan pháp luật của Nga đã phát hiện hơn 600 vụ tham nhũng và hối lộ, đặc biệt là ở các tòa thị chính. Trong một năm, hơn một chục lãnh đạo bị tố cáo tham nhũng đã bị bắt và xét xử.

Tháng Hai vừa rồi, Thị trưởng Arkangelsk (thành phố phía Tây Bắc nước Nga), là ông Alexandre Donskoï, 37 tuổi, đã bị tố cáo rất nhiều vì các lèm nhèm tài chính. Ông bị tố cáo là đã cho xây một trung tâm thương mại trong thành phố mà không có những giấy phép cần thiết, đã “lục” ngân sách thành phố để trả chi phí cảnh vệ cho con trai mình và đã làm giả bằng tốt nghiệp đại học.

Ông Donskoi không phải là trường hợp duy nhất. Hôm 13/6 vừa qua, cựu Thị trưởng Volgograd (thuộc vùng Volga, phía Nam), ông Evgueni Ichtchenko, cũng đã bị kết án một năm tù vì “các hoạt động kinh tế bất hợp pháp” và “sở hữu đạn dược”. Danh sách các thị trưởng bị tố cáo tham nhũng không dừng ở đó. Còn có Thị trưởng Vladivostok, Vladimir Nikolaev; Thị trưởng Togliatti, ông Vladimir Outkine; Thị trưởng Rybinsk, ông Evgueni Sdvijkov; rồi Thị trưởng Tomsk, Alexandre Makarov.

Xu hướng vây dồn các thị trưởng tham nhũng trước thềm các cuộc bầu cử có thể được giải thích rằng, họ là những đại diện cuối cùng mà nhân dân bầu ra, khác với các thống đốc vùng vốn từ năm 2004 được Tổng thống chỉ định.

Việc được dân bầu đã tạo cho họ sự hợp pháp và độc lập. Họ không cúi gập trước nguyên tắc “trục dọc quyền lực”. Và ở trung tâm mối quan hệ này là các xung đột tài chính.

Tại Nga, 73% dân số sống ở thành thị, nơi tập trung phần lớn các nguồn tài chính. Trong khi đó, thị trưởng lại là người có ảnh hưởng, có quyền giám sát một phần đáng kể thu nhập của vùng. Các nguồn tài chính này không thuộc về các thống đốc, nhất là khi họ không “hòa hợp” được với các thị trưởng. Sự cám dỗ ngày càng lớn đối với họ cũng như các thống đốc: dù họ được chỉ định hay do dân bầu ra.

Bạch Dương

Theo Le Monde