Chống tê cóng trong những ngày rét buốt

ANTĐ - Thời tiết lạnh giá khiến cho nhiều người lo lắng trước hiện tượng hạ thân nhiệt đột ngột, đặc biệt là ở trẻ em, người già và những người phải làm việc, hoạt động ngoài trời. Có một số lưu ý đơn giản để tránh bị tê cóng trong những ngày đông đại hàn này.

Nhiều lớp quần áo. Quần áo nhẹ, nhiều lớp bao gồm áo len, vải sợi hóa học sẽ không cho thân nhiệt bị thoát nhiều ra ngoài. Tránh dùng quần áo làm từ chất cotton bởi chúng hầu như không có tính cách nhiệt và nếu bị ướt sẽ rất nặng nề. Lớp phủ bên ngoài nên được làm từ vật liệu không thấm nước để giữ cho khô ráo và giúp tránh gió. Trẻ em nên mặc dày hơn một lớp bởi trẻ mất nhiệt nhanh hơn so với người lớn.

Bao bọc kỹ. Bất kỳ lớp da hở nào cũng nên được quấn kỹ bằng mũ, khăn quàng cổ, tất chân và găng tay. Lưu ý, găng bọc giống vận động viên quyền Anh tốt hơn găng có đủ 5 ngón tay vì các ngón tay được gần nhau hơn sẽ ấm hơn. Ngoài ra chú ý mũ phải che hết vành tai vì tai là bộ phận đầu tiên dễ lạnh nhất nên nó dễ bị tê cóng.

Tránh cố gắng quá sức. Gắng sức có thể gây hạ thân nhiệt đột ngột vì: Thứ nhất, nó khiến người ta phải cởi bỏ lớp quần áo bên ngoài, làm cho cơ thể mất nhiệt nhanh chóng; Thứ hai là nếu đổ mồ hôi, độ ẩm trên da kết hợp với lạnh có thể khiến da tê cóng.

Giữ khô ráo. Nếu mùa đông quần áo bị ướt, nên thay ngay lập tức. Lý do là ẩm ướt làm cho cơ thể hạ nhiệt nhanh chóng, đó là nguyên tắc cơ bản khi cơ thể đổ mồ hôi vào mùa nóng. Quần áo ẩm ướt có thể gây tê cóng và lạnh, nghiêm trọng hơn, da và các mô bên dưới “đóng băng” thì không loại trừ bị hoại tử và phải cắt cụt chi.

Hạn chế thời gian ở ngoài trời. Trời đại hàn, có lẽ không nên “ngâm” ngoài trời lạnh 30 phút. Đối tượng đặc biệt nhạy cảm là trẻ em và người già vì cơ thể trẻ chưa phát triển đầy đủ để chống chọi với cái lạnh trong khi ở người già, vùng thuộc bộ não kiểm soát phản ứng với thời tiết lạnh không giữ được chức năng tốt như trước. Do đó, lưu ý thêm, người cao tuổi muốn ra ngoài trời lạnh không nên đi một mình mà nên có ai đó đi cùng, phòng ngừa trượt ngã hoặc xảy ra chuyện bất trắc.     

Ăn uống đồ nóng. Không chỉ hoạt động ngoài trời, nhiều người do nhà ở có hệ thống chắn gió kém nên ở trong nhà mà vẫn bị giảm thân nhiệt. Khi đó, thực phẩm và đồ uống nóng có thể làm tăng nhiệt độ ở trung tâm cơ thể. Khi cơ thể bắt đầu hạ thân nhiệt khi phần trung tâm xuống dưới mức nhiệt độ giới hạn là 35 độ C, hầu hết các bộ phận ở xa trung tâm sẽ giảm dần chức năng để nỗ lực làm ấm phần cốt lõi. Bằng việc dùng thức ăn và đồ uống nóng, cơ thể sẽ không bị khó khăn hơn trong việc phân phối nhiệt khi trời lạnh.

Chăn ấm. Đây là phương pháp truyền thống giúp giữ ấm trong bất cứ môi trường nào. Ở nhiều nước, khi ra ngoài trời mọi người còn mang theo tấm chăn khẩn cấp bởi nó được làm bằng vật liệu dễ dàng truyền nhiệt vào người trong khi cực kỳ gọn nhẹ và dễ dàng để trong ba lô.

Sơ cứu khi tê cóng. Nếu da chuyển sang trắng bệch hoặc xám vàng, có thể người đó đã tê cóng. Cùng với đó là dấu hiệu da bị ngứa hoặc tê, nặng thì vùng da bị phồng rộp, cứng, sau đó sưng đỏ và cảm thấy đau. Làm nóng vùng da này một cách dần dần là chìa khóa để điều trị tê cóng. Đầu tiên, nếu ở bên ngoài, nhét bàn tay tê buốt vào nách rồi chuyển vào trong nhà, cách ly với giá lạnh. Sau đó, vùi bàn tay tê buốt hoặc bàn chân vùi trong chăn ấm hoặc tốt nhất là đặt trong nước ấm 40-42 độ C, thay nước với nhiệt độ cố định đó trong 30 phút. Những kiêng kỵ trong khi giảm tê cóng cần nhớ là: Chớ chà xát khu vực bị ảnh hưởng hay đi bộ trên đôi chân tê buốt vì điều này có thể làm hại đến vùng mô đã tổn thương; Không sử dụng nhiệt trực tiếp, chẳng hạn như bếp lò, lò sưởi, đèn nhiệt hoặc miếng đệm nóng, bởi vì chúng có thể gây bỏng vùng da tê mà không biết.