“Chồng Pháp-vợ Nga”: Biểu tượng sóng gió trong quan hệ Moscow-Paris

ANTĐ - Câu chuyện “công dân Pháp dấu bà vợ Nga trong vali” đã được một lãnh đạo Duma quốc gia Nga ví như một biểu tượng của mối quan hệ đầy sóng gió giữa Moscow và Paris, xuất phát từ những tác động “ngoại lai”.

Ngày 17-3, truyền thông Nga đưa tin rằng, lực lượng biên phòng Ba Lan tại Terespol đã đưa ra khỏi chuyến xe lửa Moscow - Nice một công dân người Pháp định đưa vợ vượt biên giới EU trái phép bằng cách giấu người vợ Nga trong hành lý, bởi không có thị thực nhập cảnh Schengen.

Thị thực Schengen được sử dụng cho các nước châu Âu như Đức, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italia, Lettonia, Lituanie, Malta, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovénia, Thụy Điển, Thụy Sĩ.

Do Nga đang bị châu Âu cấm vận vì sáp nhập Crimea và bị phương Tây trừng phạt bởi những cáo buộc là Moscow đứng sau cuộc nội chiến ở miền đông Ukraine, nên bà vợ Nga không thể xin được thị thực này. Theo luật pháp Ba Lan, cặp vợ chồng Pháp-Nga này có thể đối mặt với bản án ba năm tù giam vì hành động “nhập cảnh chui”.

Người đứng đầu Ủy ban vấn đề quốc tế của Duma quốc gia Nga, ông Alexei Pushkov đã gọi vụ việc “ông chồng Pháp” mang “bà vợ Nga” bị chặn lại ở biên giới châu Âu là biểu tượng mối quan hệ Nga-Pháp đang trong thời kỳ sóng gió bởi sự can thiệp của phương Tây.

Vụ “chồng Pháp-vợ Nga” là biểu tượng mối quan hệ sóng gió Nga-Pháp

Phía Nga rất lấy làm tiếc về vụ việc này, đồng thời cáo buộc Mỹ và EU đang phá hoại mối quan hệ hợp tác thân thiện giữa Nga và Pháp cùng một số nước châu Âu khác bằng những lệnh trừng phạt, cấm vận vô lý bắt đầu từ khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình hồi tháng 3-2014.

Điện Kremlin cho rằng, cuộc đảo chính ở Ukraine là một âm mưu chống Nga, còn việc sáp nhập Crimea, cùng với cuộc nội chiến ở miền đông Ukraine chỉ là cái cớ để Washington áp đặt các thủ đoạn cấm vận hòng làm Moscow suy yếu, đồng thời ngăn cản Nga và EU xích lại gần nhau khiến Pháp là nước chịu thiệt lớn nhất.

Mỹ không bao giờ muốn Nga và EU bắt tay hợp tác với nhau để cùng giàu mạnh và phát triển, đe dọa đến trật tự đơn cực thống trị thế giới của mình. Do đó, ngay từ khi hợp đồng mua sắm tàu sân bay trực thăng được ký kết, Washington đã ra sức ngăn cản Paris và Moscow thực hiện hợp đồng này.

Mỹ đã kêu gọi Pháp “nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với các nghị quyết trừng phạt Nga của EU và Khối NATO”, đình chỉ thực hiện hợp đồng, chỉ bàn giao tàu cho Moscow khi “tình hình Ukraine tốt lên và Nga thể hiện thái độ tích cực trong công tác tìm kiếm hòa bình”, bất chấp thiệt hại Pháp sẽ phải nhận.

Pháp mất hợp đồng bán 126 chiếc Rafale cho Ấn Độ một phần do việc phá vỡ hợp đồng với Nga

Ngoài việc phải trả lại khoản tiền ứng trước của Nga, Pháp sẽ phải đền bù thiệt hại lên tới hàng tỷ euro, uy tín ngành công nghiệp đóng tàu và xuất khẩu quốc phòng nước này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc bị Ấn Độ hủy hợp đồng trị giá gần 20 tỷ USD mua 126 chiếc tiêm kích Rafale cũng một phần là do nguyên nhân Paris “thất tín” đối với Moscow.

Vừa qua, Mỹ đã cam kết trao hợp đồng đóng tàu dân sự cho nhà thầu Pháp STX và DSNC để họ yên tâm về công ăn việc làm cho công nhân. Tuy nhiên, đây chỉ là những hành động mang tính thực dụng nhất thời của Washington nhằm trấn an Paris về việc không bàn giao tàu cho Moscow, còn về lâu dài, Pháp sẽ thiệt hại lớn.

Không ai biết được sau khi hợp đồng này đã bị phá vỡ, Washington có còn hỗ trợ Paris nữa không nhưng hiện tại, mối quan hệ tốt đẹp mà Pháp xây dựng được với Nga từ thời Tổng thống Nicolas Sarkozy đã tan thành mây khói, đồng thời cũng gây ra những bất ổn không nhỏ trong chính trường nước này.

Cách đây hơn 4 năm, hợp đồng bán cho Nga hai chiếc tàu đổ bộ tấn công mới thuộc lớp Mistral đã là niềm tự hào của hai nước, nhưng giờ đây, nó có thể là dấu chấm hết cho quan hệ tốt đẹp mà Paris và Moscow đã dày công xây dựng, bởi Pháp đã không thể tự chủ được trước sức ép của Mỹ-EU.