Chống người thi hành công vụ, xử quá nhẹ

ANTĐ - Tiếp tục ngày thứ hai thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm… nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại về tình trạng chống người thi hành công vụ với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Cần chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các đối tượng chống người thi hành công vụ

(Trong ảnh: Cảnh sát 113 Công an Hà Nội trấn áp một đối tượng có hành vi chống trả lực lượng chức năng)

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Nam Định nêu rõ, tình trạng chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại lực lượng công an ngày càng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng. Hành vi chống đối ngày càng manh động, liều lĩnh. Trong năm 2012 có 3 cán bộ, chiến sĩ công an đã hy sinh, 244 cán bộ, chiến sĩ công an bị thương trong khi thi hành công vụ. 

Đáng nói là trong nhiều vụ chống người thi hành công vụ, đối tượng vi phạm không chỉ là những thanh niên càn quấy mà còn có cả học sinh, sinh viên, thậm chí cả cán bộ, công chức Nhà nước. Những hành động này thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường trật tự kỷ cương.

Tình trạng này bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên. Thêm vào đó, mức phạt nói chung còn thấp, có hướng chỉ xử án treo với hành vi này. 

Không chỉ nêu ra nguyên nhân của các vụ chống người thi hành công vụ, các đại biểu còn tập trung phân tích nguyên nhân gia tăng các loại tội phạm, bổ sung hoàn thiện hơn vào báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội. Đồng tình với báo cáo của Chính phủ và đánh giá của Ủy ban Tư pháp, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tội phạm là do nhiều bộ, ngành, địa phương còn buông lỏng trong công tác phòng ngừa. Công tác dự báo tình hình, phân tích và đánh giá nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm cũng như các biện pháp phòng ngừa chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế thị trường, công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế. Gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội chưa làm tròn trách nhiệm trong việc giáo dục pháp luật, nhân cách cho thanh niên. 

Đề ra giải pháp, ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đề nghị phải nâng cao trách nhiệm quản lý, giáo dục con em của gia đình và đặc biệt là của các bậc cha mẹ cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với các đoàn thể để xây dựng và thực hiện chương trình hỗ trợ các bậc cha mẹ trong quản lý và giáo dục thanh thiếu niên để gia đình phát huy tác dụng trong giảm đầu vào tệ nạn xã hội và tội phạm.