Chồng mới hắt hủi con riêng, tôi phải làm sao?

ANTĐ - Nhìn con nằm trong bệnh xá, đầu quấn băng trắng toát, khuôn mặt như gồng lên để chịu hai nỗi đau: thể xác và nỗi đau tình thần vì bị bố dượng hắt hủi, đánh đập, chị vừa thương, vừa giận, lại vừa tự trách mình làm khổ con

Nhìn con nằm trong bệnh xá, đầu quấn băng trắng toát, khuôn mặt như gồng lên để chịu hai nỗi đau: thể xác và nỗi đau tình thần vì bị bố dượng hắt hủi, đánh đập, chị vừa thương, vừa giận, lại vừa tự trách mình làm khổ con. Khóc nấc từng tiếng, chị nghẹn ngào: "Tôi phải làm sao để dung hòa mối quan hệ của chồng và con riêng?"

38 tuổi, chị đã hai đời chồng, làm mẹ của ba đứa con. Người ta lấy chồng để được nương tựa, được hạnh phúc bên chồng và những đứa con thì chị lại không may mắn để được hưởng niềm vui ấy. Sinh ra và lớn lên nơi miền quê nghèo tỉnh Tuyên Quang, chị ngoan ngoãn và xinh như bông hoa rừng mơn mởn, tràn đầy sức sống.

25 tuổi, chị kết duyên với chàng trái hiền lành xã bên. Cuộc hôn nhân của anh chị gặp phải sự phản đối của gia đình anh bởi không môn đăng hộ đối. Tình yêu đã giúp anh chị vượt qua rào cản gia đình để đến với nhau, nhưng sự ngăn cấm ấy khiến cho niềm hạnh phúc của chị không trọn vẹn. Tuy đã chấp nhận chị làm con dâu nhưng bố mẹ chồng luôn soi mói, nhiếc móc chị vì tham của nhà anh. Người chồng hiền lành cũng không bảo vệ được chị, anh nhu nhược, ậm ờ, làm ngơ trước nỗi khổ của chị. Đứa con sinh ra và lớn lên trong nước mắt của chị, song vì con, vì hạnh phúc cả đời nên chị luôn cố gắng chịu đựng, cố gắng làm tốt để mong có được cái nhìn thiện cảm của gia đình nhà chồng.

Khi đứa con lên ba tuổi, chồng chị đột ngột qua đời vì một tai nạn thảm khốc để lại chị một mình với biết bao cay đắng, tủi nhục. Mẹ chồng nhiếc móc chị là điềm xui xẻo của chồng, làm hại con trai bà chết trẻ. Chị ngậm đắng, nuốt cay chịu đựng hết ba lần giỗ của chồng rồi mang con về nhà mẹ đẻ. Chị để con lại gửi ông bà chăm sóc, ra Hà Nội làm công nhân may. Cuộc sống bận rộn khiến nỗi đau trong chị dần dần vơi đi. Chị mải miết đi làm, hết ca thường lại đến làm thêm để không có thời gian rảnh rỗi và để kiếm thêm tiền nuôi con. Chị dành dụm, hàng tháng gửi tiền về cho bố mẹ chăm cháu. Cuộc sống ở khu tập thể náo nhiệt với những người bạn làm cùng đã giúp chị phần nào tìm lại niềm vui trong cuộc sống đời thường.

Chị đã khóc rất nhiều để trút hết những sầu muộn trong lòng khi nhận được sự cảm thông, chia sẻ của người bạn gái cùng phòng. Nỗi buồn mà chị chịu đựng trong lòng 7 năm qua lần đầu tiên nhận được sự sẻ chia bỗng vỡ òa, để rồi lòng chị được nhẹ bẫng, đón nhận một cuộc sống, một lối rẽ mới trong cuộc đời. Niềm vui của chị nhỏ nhoi là vậy, công việc đều đặn, nhìn thấy đứa con trai lớn lên từng ngày. Đứa con là niềm hi vọng, là động lực để chị làm việc và sống vui mỗi ngày.

 

Ảnh minh họa

35 tuổi, chị gặp một người đàn ông từng trải đã qua một đời vợ và có một đứa con riêng. Buổi gặp gỡ đánh dấu cuộc đời chị sang một lối rẽ mới. Hai con người có cùng chung cảnh ngộ tìm thấy sự đồng cảm nơi nhau. Những khao khát thanh xuân đã từng ngủ yên trong con người chị giờ lại trỗi dậy khi gặp một người đàn ông khỏe mạnh và từng trải. Chị khát khao một cuộc sống mới, một gia đình, một bờ vai để san sẻ những lo toan cuộc sống đời thường. Anh đưa chị về thăm nhà, thăm con riêng của anh để chị tin tưởng. Chị dễ dàng thông cảm và hình dung cuộc sống gia đình yên ấm với những đứa con thơ. Chị luôn tin một tương lai tốt đẹp, đầm ấm sẽ đến với chị...

Nhưng cuộc đời vốn chẳng thanh bình, yên ả như chị vẫn nghĩ, vẫn mong. Người chồng hết mực thương yêu chị nhưng dường như lại có điều gì ác cảm với đứa con lên 10 tuổi của chị. Về sống chung với nhau được một năm, chồng chị đã thể hiện sự không hài lòng với đứa bé. Khi hai vợ chồng có con chung, anh lại càng tỏ ra lạnh nhạt với nó. Thằng bé ngơ ngác, sợ hãi rồi dần dần chuyển sang bất cần. Hơn 10 tuổi, những đôi lúc ánh mắt nó nhìn chị có điều gì giận dỗi, trách móc. Mỗi lần bị bố dượng đánh, nó bỏ ra bờ sông ngồi, bỏ bữa không ăn, đến khi chị đi tìm mới chịu về. Chị vừa buồn, vừa sợ nhưng cũng chỉ biết tỉ tê với chồng nhẹ nhàng. Chồng chị vẫn yêu chị, vẫn thương chị nhưng cứ nói đến thằng bé là anh lại nổi nóng, rằng có lo cho tương lai của nó thì anh mới dạy dỗ, mới mắng chửi chứ nếu không thương thì anh cũng chẳng thèm để ý.

Nhưng những câu nói của anh với nó quá nặng nề khiến chị cũng cảm thấy đau lòng. Những chuyện chị tâm sự với anh, được anh chia sẻ thì bây giờ anh lấy ra để chì chiết thằng bé. "Cả họ nội nhà mày là loại sống chỉ vì tiền, sống không có tình người. Không dạy dỗ mày tử tế từ bây giờ sau này cũng giống nhà nội mày thôi". Lời chì chiết như vết dao cắt vào tim chị, làm tổn thương sâu sắc thằng bé con chưa hiểu hết chuyện đời. Từ một thằng bé ngoan ngoan, hiền lành nó trở nên lì lợm, ương bướng, mải chơi, trốn học. Cứ hàng tuần, nhà trường lại gọi phụ huynh lên vì nó lười học, đánh nhau. Chị đau nhói khi nghĩ tới tương lai của con, nước mắt ướt đẫm gối mỗi đêm. Phải làm sao để khoảng cách giữa chồng chị và thằng bé được rút ngắn đi? Phải làm sao để nó quay về là thằng bé con ngoan ngoan của chị ngày nào?

Chị đi bước nữa, cũng để mong cho con một mái ấm gia đình đủ đầy như bao đứa bạn cùng trang lứa. Nhưng sao hạnh phúc đâu chẳng thấy, chị cảm thấy mình có lỗi khi thấy con bị cha dượng đối xử như thế.

Rồi một chiều chị đi làm về, vừa tới cổng chị đã nghe tiếng quát tháo của chồng, thằng bé đứng im một góc nhà, khuôn mặt tỏ ra thách thức, bất cần. Tiếng chồng chị quát to: "Mày còn không xin lỗi à? Tao không thừa cơm, thừa gạo để nuôi đứa con mất dạy, hư hỏng như thế. Cút xéo khỏi nhà tao ngay". Lần đầu tiên, thằng bé con chị gào lên cãi lại: "Tôi chưa bao giờ coi ông là bố tôi. Tôi sẽ đi, ông không phải đuổi". Chị chạy vào, nhưng không kịp nữa. Chồng chị lao vào tát và đạp thằng bé vào tường nhà. Chị gào lên sợ hãi, tất cả đã quá muộn. Hai vợ chồng đưa con vào bệnh xá, máu chảy đầm đìa khắp trán, lòng chị đau như xát muối.

Thì ra chiều nay đứa con trốn học đi chơi trò chơi điện tử, chồng chị bắt gặp lôi về nhà.

Chị nắm lấy tay thằng bé nhưng nó quay đi. Chị chợt nhận ra, con trai chị mới 13 tuổi mà nó đã trở nên già dặn và bất cần quá. Nó trơ lì trước những giọt nước mắt của chị, nó thờ ơ khi chị tỉ tê, chăm sóc cho nó. Nó chỉ buông một câu: "Con không đi học nữa, cũng không ở cùng nhà với ông nữa. Con sẽ tự đi làm kiếm tiền nuôi thân, con không nhờ mẹ nữa". Chị sợ hãi, lo lắng bởi xã hội đầy rẫy những cạm bẫy, con chị sẽ bị cuốn vào vòng xoáy ấy bởi nó còn non nớt và bồng bột. Nhưng dù chị cầu xin, khuyên nhủ thế nào nó cũng không nghe. Chị đau đớn, bởi chẳng thể nào xóa bỏ khoảng cách giữa hai người chị đều yêu thương...