Chóng mặt với hoá đơn tiền điện

ANTĐ - Hoá đơn tiền điện tháng 8-2013 mới chỉ có 15 ngày được tính theo giá mới, nhưng nhiều hộ gia đình tá hóa khi tiền điện tăng lên đáng kể, mặc dù nhu cầu điện năng tiêu thụ vẫn tương đương tháng trước. 

Giá điện tăng ảnh hưởng lớn tới sản xuất và sinh hoạt

Chênh lệch nhiều hơn tính toán

Nhận hoá đơn thanh toán tiền điện tháng 8, chị Minh Ngọc (ở phố Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng) không khỏi giật mình. “Tháng này gia đình tôi phải trả 1,6 triệu đồng tiền điện, cao bằng tháng cao điểm trong mùa hè dùng điều hoà liên tục, trong khi thời gian gần đây mát mẻ, nhà ít dùng điều hoà. Ước lượng dùng như tháng vừa rồi thì các tháng khác tôi chỉ phải trả khoảng 1,2 triệu đồng/tháng”- chị Minh Ngọc cho biết.

Cũng có chung băn khoăn, chị Thanh Huyền (khu đô thị mới Xa La- Hà Đông) cho biết, vẫn mức dùng xấp xỉ tháng trước nhưng số tiền phải thanh toán tháng này của gia đình chị chênh 120.000 đồng, lên mức gần 900.000 đồng thay vì 780.000 đồng tháng 7-2013. Theo chị Thanh Huyền, hoá đơn thanh toán chỉ chênh nhau chưa đến 10kWh nhưng số tiền đội lên rất nhiều và đây mới là khoản tiền thanh toán cho nửa chu kỳ, bởi vì thời gian chốt số điện từ 14-7-2013 đến 14-8-2013. “Giá điện mới được áp dụng từ 1-8 nên mới chênh bằng đó. Nếu chu kỳ tính từ ngày đầu tháng đến ngày cuối tháng thì có thể tôi còn phải trả gấp hơn 2 lần thế này, vì càng dùng nhiều giá điện càng cao”- chị Huyền lo lắng.

Trong khi đó, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với giá điện mới, các hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 kWh/tháng tăng chi 6.800 đồng/tháng; sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 10.650 đồng/tháng; sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 15.500 đồng/tháng; sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.000 đồng/tháng. Bậc thang cao nhất là hộ sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 37.200 đồng/tháng. Trên thực tế, phản ánh từ nhiều người tiêu dùng cho biết, mức tiêu thụ điện hàng tháng của họ nằm trong khoảng 300-400kWh/tháng. Nếu so với tính toán của EVN thì chưa có hộ gia đình nào chênh từ 26.000 đồng đến 37.200 đồng/tháng.  

Trước đó, một chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo, tác động gián tiếp của đợt tăng giá điện ngày 1-8 sẽ không nhỏ. Nhưng điều đáng chú ý là ảnh hưởng trực tiếp cũng đã lớn hơn mức tính toán được đưa ra hồi đầu tháng.

Triệt để tiết kiệm điện

Đó là cách ứng phó của người dân trước diễn biến giá điện tăng vừa qua. Chị Thanh Huyền chia sẻ: “Nhà tôi ở chung cư nên không thể tìm cách tiết kiệm  điện bằng việc chuyển nấu từ bếp điện, bếp từ sang bếp than tổ ong. Giờ gas cũng đắt, nhưng mọi thành viên trong gia đình đều ghi nhớ, ra khỏi phòng tắt quạt, tắt điện, giảm dùng điều hoà”. 

Trong khi đó, chị Thu Phương (ngõ 18 Huỳnh Thúc Kháng- Đống Đa) lại tìm kiếm các thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng. “Tôi vừa mua chiếc nồi ủ chân không, tiết kiệm gas, điện khi hầm thức ăn. Giờ cần tiết kiệm, đồ dùng này chắc sẽ phù hợp”- chị Phương nói. Chị Phương chia sẻ thêm, trên thị trường hiện đang rao bán nhiều loại nồi ủ được giới thiệu tiết kiệm 75-80% năng lượng nhưng giá khá cao, thường từ hơn 1 triệu đồng đến hơn 3 triệu đồng/chiếc. Nồi ủ Trung Quốc có giá tương đối rẻ, từ 250.000 đồng/chiếc nhưng vì phải cắm điện trong suốt quá trình nấu nên ít người lựa chọn.

“Không thể không tiết kiệm” là tâm lý chung của người dân ở thời điểm này. Giá điện, gas và hàng loạt mặt hàng tiêu dùng đang ở mức cao khiến người dân phải chi li tính toán cho từng khoản chi tiêu. Dự báo, hoá đơn tiền điện tháng 9 tới của người dân sẽ còn “bất ngờ” hơn nữa khi chu kỳ tính toán trọn cả tháng. Điện tăng giá trong khi chưa minh bạch được từng yếu tố cấu thành giá khiến người dân vẫn còn nhiều băn khoăn.