Chóng mặt vì mức đóng bảo hiểm y tế tăng vọt

ANTĐ - Ở những năm học trước, học sinh, sinh viên chỉ phải đóng  khoảng 290.000 đồng mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thì ở năm học 2015-2016, do bắt đầu áp dụng Luật BHYT mới cùng với việc điều chỉnh thời hạn của thẻ BHYT lên 15 tháng, mỗi học sinh, sinh viên phải đóng số tiền tham gia BHYT lên tới 543.700 đồng/ thẻ. 
Chóng mặt vì mức đóng bảo hiểm y tế tăng vọt ảnh 1

Học sinh cần nghiêm túc tham gia BHYT để được đảm bảo quyền lợi  (ảnh minh họa)


Điều chỉnh mức đóng BHYT

Năm học mới 2015-2016 là năm đầu tiên thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ đầu năm 2015) với một số điểm mới. Theo đó, mức đóng BHYT học sinh, sinh viên sẽ tăng từ 3% mức lương cơ sở như trước lên 4,5%. Từ năm học này, mỗi năm, một học sinh sẽ phải đóng tiền mua thẻ BHYT là 434.700 đồng (tăng gần 150.000 đồng). Mức đóng này sẽ giảm tương ứng khi được hỗ trợ của địa phương ngoài số ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ 30% theo quy định của pháp luật BHYT.

Điểm mới tiếp theo là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT học sinh, sinh viên sẽ có giá trị từ ngày 1-1 đến 31-12 của năm chứ không áp dụng theo thời gian của năm học như trước. Do năm học 2015-2016 là năm đầu tiên thực hiện thay đổi hình thức mua thẻ BHYT theo năm tài chính nên các trường có thể yêu cầu học sinh phải đóng luôn phí tham gia BHYT 15 tháng với số tiền 1 thẻ là 543.700 đồng ngay từ đầu năm. 

Về quyền lợi, học sinh, sinh viên khi đi khám chữa bệnh BHYT được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh và cùng chi trả 20% (trừ các đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo). Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) lý giải, quy định như trên sẽ có tính khả thi và thuận lợi hơn cho các bên tham gia. Cụ thể, phụ huynh có thể đến tháng 12 mới phải đóng phí BHYT cho con em mình; nhà trường cũng có thêm thời gian triển khai công việc đầu năm học mà không phải quá bận bịu vào việc thu đóng BHYT.

Các trường có thể thu làm 3 đợt 

Trước ngày tựu trường, nhiều trường học đã thông báo yêu cầu học sinh phải đóng luôn 15 tháng tham gia BHYT với số tiền 1 thẻ là 543.700 đồng. Do không được giải thích, phân tích kỹ về quy định mới nên nhiều phụ huynh học sinh cảm thấy “choáng” vì số tiền BHYT phải đóng tăng gần gấp đôi so với những năm trước. Điều này làm tăng đáng kể các khoản chi phí phải nộp đầu năm học mới. Nhiều ý kiến lo ngại tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên năm học này sẽ sụt giảm do nhiều người không muốn cho con tham gia.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế cho biết, trước khi quyết định tăng mức đóng tham gia BHYT của học sinh, sinh viên, cơ quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã tính toán rất kỹ các tác động của chính sách này. Trước hết, Luật BHYT mới đã mở rộng hơn nhiều quyền lợi của người tham gia BHYT nên mức đóng cũng phải tăng theo. Thứ hai, việc nâng mức đóng của học sinh, sinh viên còn thể hiện sự thống nhất trong chính sách thu BHYT, đảm bảo mọi đối tượng tham gia đều có đóng mức như nhau.

Dù vậy, ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng thì quyền lợi của học sinh, sinh viên cũng cao hơn. Chẳng hạn, các em có quyền được dùng một phần kinh phí tham gia BHYT để chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường.

Phó Vụ trưởng Vụ BHYT Lê Văn Khảm cho biết, do năm học 2015-2016 là năm đầu tiên điều chỉnh nên phải thu BHYT học sinh 15 tháng để từ năm học sau sẽ thu 12 tháng như trước. Tuy vậy, không bắt buộc các trường yêu cầu học sinh phải đóng cùng lúc 15 tháng mà có thể thực hiện một cách linh hoạt theo hướng dẫn của BHXH gửi các địa phương. Cụ thể, trong năm học 2015-2016, các trường có thể áp dụng 3 cách thu BHYT của học sinh, sinh viên.

Thứ nhất là đóng 3 tháng (từ nay đến hết năm 2015) sau đó đóng tiếp cho năm sau. Thứ hai, có thể năm nay đóng 3 tháng, năm sau chia làm 2 đợt, mỗi đợt đóng 6 tháng. Thứ ba là nếu gia đình nào có điều kiện thì có thể đóng luôn 15 tháng. Cũng theo ông Lê Văn Khảm, học sinh, sinh viên là đối tượng phải tham gia BHYT bắt buộc theo quy định của Luật BHYT, do đó, các bậc phụ huynh cần nghiêm túc thực hiện mua BHYT cho các em tuân thủ đúng pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho con em mình.