Hội nghị Thượng đỉnh EU lần thứ 19:

Chống hiệu ứng “lây lan” khủng hoảng tài chính

ANTĐ - Hội nghị Thượng đỉnh của lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu diễn ra trong 2 ngày tại Brussels, Bỉ đã đạt được thỏa thuận về “Hiệp ước tăng trưởng” mới bằng việc nhất trí chi tổng cộng 120 tỷ euro - tương đương với 1% tổng GDP của EU để tiếp thêm sinh lực cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn. 

Chủ tịch EU Herman van Rompuy trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị

Kế hoạch này - do 4 nền kinh tế hàng đầu của khu vực Eurozone là Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha đề xuất - là một gói các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng sản lượng và tạo việc làm. Chủ tịch EU, ông Herman Van Rompuy nhấn mạnh tại lễ khai mạc hội nghị: “Hội nghị Thượng đỉnh EU sẽ đưa ra các biện pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế và việc làm ở châu Âu”. 

Mặc dù vậy, vẫn có những khác biệt trong các biện pháp tìm lối thoát cho khủng hoảng tài chính châu Âu. Tổng thống Pháp, Francois Hollande, nói rằng EU cần khẩn trương hỗ trợ các nước gặp khó khăn trong khu vực đồng euro. Trong khi đó, Thủ tướng Italia Mario Monti và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rahoy kêu gọi các biện pháp cấp bách để giảm tối đa của hiệu ứng “lây lan” trong khu vực. Sau khi Hy Lạp, Iceland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha kêu gọi sự hỗ trợ tài chính quốc tế, nhiều người cho rằng “nạn nhân” tiếp theo của cuộc khủng hoảng này là Italia.