Chống dịch Covid-19 nhưng không “ngăn sông cấm chợ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, chúng ta tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để dịch Covid-19 lây lan, song cũng rất cần tránh khuynh hướng hoang mang, mất bình tĩnh, áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, trong đó “nhắc nhở” một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, trong đó “nhắc nhở” một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn

Không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh

Chúng ta hiện đang phải ứng phó với đợt dịch Covid-19 lần thứ tư kể khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào tháng 1-2020. Đây cũng là đợt dịch lây lan nhanh, rộng và nguy hiểm nhất từ trước tới nay với số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 5.757 ca bệnh tại 38 tỉnh, thành phố. Số ca bệnh này nhiều hơn cả 3 đợt dịch trước đó cộng lại.

Các đợt dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta trong bối cảnh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này diễn biến phức tạp, khó lường trên khắp thế giới, bao gồm cả các quốc gia láng giềng có chung đường biên giới với nước ta. Tuy nhiên, với việc triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt, mạnh mẽ và đúng đắn, Việt Nam vẫn được thế giới đánh giá là một hình mẫu chống dịch: vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, nhất là không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của hai đợt dịch thứ ba và thứ tư, trong đó đợt dịch thứ tư nghiêm trọng hơn những lần trước, nhưng tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021 được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,8%. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. An sinh xã hội, đời sống nhân dân cơ bản ổn định.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan cùng sự bảo đảm an sinh xã hội ấy khẳng định cả đất nước chúng ra đã cơ bản tiếp tục thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhìn lại hai đợt dịch từ đầu năm đến nay, không phải địa phương nào, kể cả vùng có dịch và không có dịch, cũng giữ vững được tâm lý “bình tĩnh, không hoang mang”, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”.

Trong đợt dịch thứ hai, khi Hải Dương thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg (từ ngày 16-2-2021), ngay lập tức, thành phố Hải Phòng đã yêu cầu dừng tiếp nhận tất cả các công dân và hàng hóa từ Hải Dương về Hải Phòng, công dân của Hải Dương cố tình vào Hải Phòng, nếu bị phát hiện sẽ bắt buộc vào khu cách ly y tế tập trung của thành phố và phải trả phí. Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng yêu cầu giám sát các công dân làm việc trong các khu công nghiệp và trong khu kinh tế Hải Phòng, yêu cầu các chủ doanh nghiệp có cam kết về việc không sử dụng lao động của tỉnh Hải Dương.

Những động thái trên đã khiến người dân, doanh nghiệp ở Hải Dương bị ảnh hưởng rất lớn khi hơn 4.000ha rau vụ đông với sản lượng gần 91.000 tấn đang đến kỳ thu hoạch đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được, hàng nông sản không thể đưa ra cảng ở Hải Phòng để xuất khẩu. Các xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu có điểm xuất phát từ Hải Dương bị dừng ách tại các điểm kiểm soát giáp ranh giữa hai địa phương. Lãnh đạo Hải Dương lúc đó đã phải gửi Công văn “kêu cứu” tới Bộ Công Thương, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương có cửa khẩu để được tạo điều kiện thông thương hàng hóa.

Chống dịch đi đôi với phát triển sản xuất, kinh doanh

Những hiện tượng gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của đợt dịch trước một lần nữa lại thấy xuất hiện trong đợt dịch thứ tư hiện nay. Tỉnh Bắc Giang trung tuần tháng 5 vừa qua cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh hiện đang tồn hàng trăm nghìn tấn nông sản, hàng chục triệu gia súc, gia cầm. Trong văn bản, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh, đặc biệt là việc lưu thông, vận chuyển nông sản từ Bắc Giang sang các địa phương khác (và ngược lại) cũng như xuất khẩu qua các cửa khẩu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nông dân.

Sự việc gây quan tâm và lo ngại nhất là việc tỉnh Đồng Nai ban hành một văn bản gây phản ứng mạnh với câu hỏi là để chống dịch hay “ngăn sông cấm chợ”. Theo văn bản 6180/UBND-KGVX ngày 4-6 về việc cách ly người về - đến từ TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc các cơ sở lưu trú trên địa bàn 21 ngày với tất cả người từ thành phố là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước này đến - về Đồng Nai.

Từ khi xuất hiện các ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng ở TP.HCM, nhiều tỉnh, thành cũng đã ban hành quy định cách ly phòng dịch với người đến từ TP.HCM như Bạc Liêu, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Lâm Đồng, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế… Biện pháp này là cần thiết để phòng dịch, nhưng chỉ có Đồng Nai là địa phương đưa ra biện pháp cách ly nghiêm ngặt nhất, có ý kiến cho rằng chẳng khác nào “ngăn sông cấm chợ”.

Trong khi đó, Đồng Nai thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng TP.HCM với 35 khu công nghiệp và 27 cụm công nghiệp. Trong đó, có 31 khu công nghiệp đang hoạt động gồm hơn 1.200 dự án đầu tư nước ngoài và gần 500 dự án đầu tư trong nước, có sản phẩm xuất khẩu sang hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chính vì vậy, mọi quyết định phòng, chống dịch của tỉnh Đồng Nai lập tức ảnh hưởng trực tiếp tới các địa phương lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và đặc biệt là TP.HCM, làm ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, có nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhất là với các khu công nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ ngay sau đó một ngày (ngày 5-6) đã có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố các Bộ trưởng, Trưởng ngành, trong đó “nhắc nhở” một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải, bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện việc cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, rà soát, kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc một số địa phương áp dụng biện pháp cách ly y tế không đúng quy định đối với người đến từ vùng đang có dịch.

Thực hiện “mục tiêu kép” vì thế đòi hỏi tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để dịch Covid-19 lây lan, song cũng rất cần tránh khuynh hướng hoang mang, mất bình tĩnh, áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan, cơ quan chức năng, nhất là ngành Y tế phải tham mưu, đề ra các tiêu chí rõ ràng, cụ thể để các địa phương lấy đó làm căn cứ đưa ra các quyết định đúng đắn, phù hợp để vừa đảm bảo chống dịch, đồng thời tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.

Kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh

Đồng Nai ra văn bản cách ly y tế 21 ngày đối với tất cả những người từ TP.HCM có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh

Đồng Nai ra văn bản cách ly y tế 21 ngày đối với tất cả những người từ TP.HCM có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh

Một số địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19. Các địa phương khác cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát người về từ vùng dịch. Tuy nhiên, một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo về phòng, chống dịch, thực hiện “mục tiêu kép” của Thường trực Ban Bí thư tại Điện ngày 27-4-2021 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải (kể cả vận chuyển hành khách, công nhân, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất…), bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện việc cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch.

b) Chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người tham gia vận tải hàng hoá, vận chuyển vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch, sản xuất kinh doanh và người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo y tế, khai báo không trung thực.

3. Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Công Thương rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

4. Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, tiêu thụ, cung ứng hàng hoá giữa địa phương có dịch và các địa phương khác.

5. Bộ Y tế chủ trì, rà soát, kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc một số địa phương áp dụng biện pháp cách ly y tế không đúng quy định đối với người đến từ vùng đang có dịch.

6. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm, nỗ lực cao nhất bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

(Công điện số 789/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, thực hiện “mục tiêu kép”)