Chồng đánh vợ ở Phú Thọ gây phẫn nộ: Cần một án phạt xứng đáng!

ANTD.VN - Khi gõ cụm từ “Chồng đánh vợ” tìm kiếm trên Google sẽ cho kết quả hàng trăm vụ việc, bằng mọi hình thức, nhiều lý do và số lượng tăng theo thời gian. Những năm qua, bạo lực gia đình có sự phát triển phức tạp trong một xã hội hiện đại tạo nên những vấn đề nhức nhối, đau lòng. Bạo lực hay bạo hành gia đình có thể được nhìn nhận dưới hành vi xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng hoặc danh dự của những người thân trong gia đình. 

Hàng loạt vụ bạo hành...

Gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những đoạn phim ghi lại cảnh phụ nữ bị bạo hành một cách thô bạo, tàn nhẫn. Ðiều đáng buồn là, người "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" đối với phụ nữ lại chính là người chồng. Hành vi bạo lực trong gia đình xâm phạm thân thể, gây đau đớn, thương tích, thậm chí đe dọa tính mạng, sau nữa còn xúc phạm nhân phẩm của nạn nhân, làm xói mòn giá trị truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến cộng đồng và xã hội.

Ngày 25/12, mạng xã hội Facebook xuất hiện clip cùng nhiều bức ảnh ghi lại việc một phụ nữ ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ bị chồng đánh đập. Hình ảnh ghi lại cho thấy người đàn ông đánh liên tiếp vào một phụ nữ ở cầu thang. Nạn nhân sau đó phải nhập viện do gãy tay và đa chấn thương.

Chồng đánh vợ như thời trung cổ ở Phú Thọ trong đêm Noel

Theo lãnh đạo địa phương tại thị xã Phú Thọ cho biết, sự việc xảy ra vào đêm 24/12, khi cơ quan chức năng đến gặp thì cặp vợ chồng này từ chối can thiệp.

Trước đó, Vietnamnet cũng đưa tin, ngày 18/11, khi nghe hàng xóm nói vợ lên mạng nói mình vô tâm, người đàn ông ở Bình Dương liên tục dùng tay, chân đánh vào mặt vợ, khiến dư luận bức xúc.

Hay Tuổi Trẻ cũng đã đưa tin, ngày 27/8, mạng xã hội lan truyền clip dài hơn 2 phút, ghi cảnh chị L. đang bế con nhỏ trên tay liên tục bị chồng là Nguyễn Xuân Vinh (một võ sĩ) tát, đấm đá và ném sỏi vào người. Sự việc xảy ra vào khoảng 18h30 ngày 26/8 tại một chung cư ở quận Long Biên, Hà Nội. Ngay sau đó, xã hội đã lên án, tức giận khi xem những clip, dù chị vợ đang bế con nhỏ trên tay.

Võ sĩ đánh vợ dã man gây phẫn nộ

Bạo lực gia đình luôn là một vấn đề nóng được mọi người quan tâm; tuy nhiên tâm lý chịu đựng vì con cái, vì mong muốn giữ trọn gia đình của một bộ phận chị em phụ nữ đã khiến cho nhiều vụ việc không được đưa ra trước pháp luật. Bạo hành gia đình nếu không bị ngăn chặn kịp thời thì có thể dẫn đến đổ vỡ trong hôn nhân hoặc chịu rủi ro pháp lý cao hơn. Vậy nếu một người chồng đánh vợ thì pháp luật sẽ xử lý như thế nào?

Theo quy định tại Điều 1 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế với thành viên khác.

Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Như vậy, sẽ tùy vào mức độ của hành vi và ý chí của người bạo hành để xác định hình thức xử lý. 

Đối với hình thức xử lý hành chính: Người chồng có hành vi đánh vợ mà chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt như sau:

Với những hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi đánh đập, sử dụng công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng gây thương tích cho thành viên gia đình.

Hình thức xử lý hình sự: Hành vi đánh vợ của người chồng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Bị phạm tội thì bị phạt tù từ 02 năm đến 10 năm, tùy vào mức độ gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác.

Bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm khi làm chết người; hoặc gây thương tích với mức độ tổn thương cao, gây biếng dạng cơ thể.

Những quy định nêu trên áp dụng chung cho cả trường hợp người chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình, con trẻ chịu thương tổn đầu tiên

Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì nạn bạo hành gia đình cũng để lại những hậu quả nặng nề đối với nạn nhân và con trẻ. Trước hết, tình trạng bạo lực gia đình đã trực tiếp gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, thể chất, tinh thần của con người mà đối tượng bị tác động chủ yếu là phụ nữ (người vợ), bạo hành gia đình đã và đang làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Cần lên án hành vi bạo lực gia đình

Đối với những vụ bạo hành gia đình trong đó hành vi hành hung vợ được thực hiện trước mặt con trẻ thì sẽ để lại những hậu quả hết sức nguy hại vì nó làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Nhiều trường hợp các cháu nhỏ đã không chịu được thực tế bố hành hung mẹ đã bỏ nhà đi lang thang và bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hành vi phạm pháp.

Gia đình là tế bào của xã hội; mỗi gia đình thực sự yên ấm, hạnh phúc là điều kiện để xây dựng xã hội phát triển. Do đó, cần chung tay phòng, chống tình trạng bạo hành gia đình vì mục tiêu “xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc”.