Chồng chăm vợ đẻ và những câu chuyện cười ra nước mắt

ANTĐ - Người ta nói “cháu bà nội, tội bà ngoại”, ít ai chú ý đến các ông chồng. Các ông chồng cũng vất vả không kém bà nội, bà ngoại khi vợ sinh con.

Có người luống cuống bởi lần đầu làm bố, có người làm bố đến hai, ba lần mà mỗi khi vợ đẻ vẫn hết hồn y hệt lần đầu. Vui sướng, hồi hộp... đủ thứ cảm xúc đan xen khiến các ông bố gây ra đủ chuyện khôi hài, dở khóc dở cười.

Sinh con năm Rồng, vất vả chăm quý tử

Nam và Vân vừa nên vợ nên chồng, cả hai bên nội ngoại đã lên kế hoạch bảo Vân có em bé để đẻ kịp năm rồng. Quý tử sinh năm Nhâm Thìn thì còn có gì đáng giá hơn, mà nhất là sinh vào tháng ba, tháng sinh, lại là mùa xuân ấm áp, "Rồng" sẽ càng thêm quý. Vậy là mặc cho cả hai vợ chồng trẻ kiên quyết phản đối, các cụ vẫn tự lên kế hoạch để Vân sinh cháu cho mình. Cực chẳng đã, các con không chống lại được cả gia đình nên hai người trẻ đồng ý có em bé vì bố mẹ hứa: “Chúng mày chỉ cần sinh cháu thôi còn đâu bố mẹ lo tất”. Lo tất có nghĩa là Nam và Vân sau khi làm cha mẹ sẽ vẫn có thời gian để phấn đấu cho sự nghiệp, son rỗi như thể vẫn chưa vướng bận con cái. Tin Vân mang thai trở thành tin vui cho phụ huynh hai họ, nhất là sau khi bấm ngày, em bé dự tính sẽ chào đời đúng vào tháng ba như họ mong muốn.

Gia đình hai bên đều có điều kiện nên khi Vân mang thai, bố mẹ Nam và cả bố mẹ cô đều mong con gái được sống trong môi trường tốt nhất để Vân và em bé được đảm bảo có sức khỏe tốt. Lời hứa về việc sẽ để Vân có thời gian dành cho sự nghiệp bị gạch đi phũ phàng ngay cả khi em bé chưa ra đời. Bố mẹ bắt Vân ở nhà dưỡng thai theo chế độ đặc biệt. Những ngày mang thai, Vân được chăm chút bao nhiêu thì đến khi sinh con, mọi chuyện lại hoàn toàn ngược lại. Chẳng biết tình cờ hay cố ý mà đến lúc cô gần lâm bồn, bố mẹ hai bên bỗng dưng có việc cần giải quyết và đi giải quyết công việc của mình hết. Thành ra, lúc sắp sinh chỉ có Nam và cô giúp việc là ở cạnh Vân. Lo lắng vợ trở dạ mà mình không biết làm gì, Nam đã đặt sẵn một giường trong bệnh viện để hễ có “biến” là anh đưa vợ vào luôn.

Thế nhưng quá hai, ba ngày mà em bé vẫn chẳng chịu ra. Bác sĩ nói cứ yên tâm nhưng Nam sốt ruột bắt vợ nhập viện. Lần đầu chăm vợ đẻ nên Nam lu bù đủ chuyện. Anh không biết phải chuẩn bị đồ đưa vợ đi đẻ thế nào. Cô giúp việc thuê theo giờ nên cứ hết giờ là cô lại vội vàng về nhà, thành thử Nam một thân một mình đưa vợ vào viện và chuẩn bị cho sự ra đời của đứa con đầu lòng. Gọi điện cho mẹ để hỏi cần mang những gì vào viện, Nam chỉ nhận được những tiếng tút dài từ chiếc điện thoại, cuối cùng người giúp anh lại là cô đồng nghiệp cùng phòng chưa chồng con nhưng lại có kinh nghiệm nhờ đọc nhiều sách vở vì cô luôn có tư tưởng trở thành một bà mẹ tốt nhất. Đầy đủ mọi thứ mang vào viện nhưng câu chuyện không phải đến đó là hoàn tất. Nam hoảng loạn nhất lúc vợ đau đẻ. Phụ nữ đau đẻ thường không giữ được bình tĩnh. Cô vợ hiền lành thường ngày của anh khóc to, vò đầu bứt tai anh. Nhưng thế vẫn chưa hết, Vân vừa la hét vừa nói Nam làm cô khổ. Cô đòi gặp mẹ nhưng mẹ với bố đang đi giải quyết công chuyện ở đâu cả hai người đều không biết.

Giai đoạn hò hét vì đau may mắn rồi cũng qua. Con trai nặng hơn ba cân của đôi vợ chồng trẻ cũng chào đời. Sinh con đã khó, chăm con lại càng khó hơn. Vợ đẻ, Nam xin nghỉ một tháng để chăm vợ chăm con. Vân sinh xong thì nội ngoại hai bên đều về. Nam ngỡ có bố mẹ giúp đỡ nhưng bố mẹ về, anh càng khốn khổ hơn. Các cụ không cho hai con biết mình đã đi đâu nhưng khi về, nội ngoại mang theo công thức chăm con sinh năm Rồng hoành tráng để áp dụng cho thằng cháu mới sinh của mình từ thực đơn ăn uống đến giờ ngủ nghỉ. Con trai đã được hơn một tuần tuổi mà Nam vẫn chưa một lần bế thằng bé vì: “Nhìn thằng bé nhỏ quá, em sợ chẳng dám bế. Nhỡ làm sao thì chết dở”.

Vân vì thế được đà tủi thân: “Đấy là con của em với anh ấy, không đui què sứt sẹo mà chưa một lần em thấy chồng cưng nựng con”. Vậy là để chiều lòng vợ, Nam học cách bế em bé. Mới đầu là thông qua búp bê, khi bố mẹ gật đầu thông qua, anh mới run run dám bế con mình. Biết bế con rồi thì có ngày, Nam chỉ ngồi bế con rồi cho con ăn. Hóa ra, cậu chăm con rất khéo. Tới mức con bện hơi bố, buổi tối đi ngủ, phải được ngủ cạnh bố còn mẹ thì đi đâu cũng được, Vân lại thành nhàn. Sinh con hơn tháng, cô chẳng kiêng cữ gì nữa, bắt đầu đi shopping cùng bạn bè, chỉ về nhà vào giờ cho con bú. Mọi chuyện còn lại đều do chồng lo. Nam cũng chẳng than vãn kêu khổ hay mệt mỏi gì. Bởi lẽ, niềm hạnh phúc lần đầu được làm bố đã choán đầy tâm trí anh.

Đầu gấu bủn rủn làm bố

Được làm bố là niềm hạnh phúc của tất cả đàn ông. Hạnh phúc này có thể làm mềm tâm hồn và đôi khi thay đổi cả tâm tính của họ. Bác sĩ Nguyễn Minh H (Hà Nội) vẫn còn nhớ câu chuyện của anh Long vào viện chăm vợ đẻ khi kể lại cho chúng tôi. Bà kể, theo lời của những sản phụ cùng phòng và cả lời kể của mẹ vợ Long, Long là một đại ca có tiếng ở đất Cảng. Học hết lớp 12, mặc cho cả nhà hết sức khuyên bảo, Long bỏ ngoài tai tất cả, tập hợp anh em thành lập băng đảng để làm ăn rồi phiêu dạt lên Hà Nội. Long cùng anh em sống bằng nghề đòi nợ thuê, bảo kê...

Bố mẹ anh muốn con tu chí làm ăn nên tính đến nước lấy vợ cho con. May sao, vừa tính đến đó thì Long dẫn một cô gái về nhà đòi cưới. Vợ Long tên Hạnh, kém anh 5 tuổi, là gái Hà thành. Đám cưới của hai người được gia đình Long vô cùng ủng hộ còn gia đình Hạnh thì ra sức phản đối. Hạnh có công ăn việc làm ổn định, xinh xắn, lấy đâu chả được một anh chồng tốt. Thế mà cô lại đâm đầu vào một anh đầu gấu. Mẹ Hạnh nói, thật là chẳng còn tai họa nào hơn. Bố mẹ không đồng ý, Hạnh cưới vẫn cứ cưới. Chẳng lẽ lại từ mặt con nên nhà ngoại đành chấp nhận con rể.

Ngỡ có vợ thì tâm tính Long sẽ thay đổi, anh sẽ tính nước làm ăn khác nhưng mọi sự vẫn thế. Long vẫn làm nghề của mình. Hạnh cũng không lấy làm lo lắng vì cô thấy Long tốt với cô. Thế là đủ. Cả hai nhà đều ngao ngán. Thế nhưng khi biết Hạnh có thai thì mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Long bắt đầu ở nhà nhiều hơn. Hễ Hạnh thích ăn gì thì dù nửa đêm, anh cũng đi tìm cho bằng được vì anh nghe mẹ dặn, đàn bà mang bầu cần được ăn nhiều để tốt cho thai nhi trong bụng. Hốt hoảng nhất với Long có lẽ là ngày vợ trở dạ. Hạnh vỡ ối ở nhà. Long chẳng hiểu đó là gì, chỉ thấy mẹ vợ toán loạn lên bắt đưa Hạnh vào viện ngay. Long ngỡ có chuyện nguy hiểm nên bần thần cả người.

Mẹ vợ thì cuống cuồng, Long lại càng hoảng nên không biết phải làm gì. Vào đến viện, vợ đau nên la hét, Long xanh tái cả mặt mày. Lúc đưa Hạnh vào phòng đẻ, mẹ vợ dặn Long ở ngoài để mẹ cần gì nói là anh đi mua luôn, Long càng sốt ruột. Ngồi hút thuốc mãi ở hành lang mà không thấy động tĩnh gì, Long đánh liều xông vào. Y tá không dám chặn lại vì nhìn Long hung hãn, chân tay lại xăm trổ nhưng bác sĩ ra, chỉ nói một câu: “Anh không trật tự, tôi không đỡ đẻ cho vợ anh nữa”. Nghe thấy thế, Long bước luôn ra ngoài. Đến lúc vợ đẻ xong, nhìn thấy đứa con gái đỏ hỏn của mình, Long bật khóc tu tu. Có rất nhiều cảm xúc khó có thể giải thích thành lời, giống như cảm xúc bạn nhìn thấy đứa con đầu lòng của mình.

Đưa vợ vào phòng nghỉ, xong đâu đấy, Long đứng mãi ngoài cửa kính để nhìn con rồi luống cuống gọi điện. Mẹ vợ nói: “Nó gọi điện về khoe nhà nội đấy”. Mấy ngày sau, Hạnh khỏe hơn thì hai mẹ con được bác sĩ cho phép về nhà. Long kiên quyết không bế con vì sợ lóng ngóng làm con rơi. Anh làm tất cả mọi việc giặt giũ, phơi phóng, chợ búa cho vợ. Vợ chỉ có mỗi việc ăn và cho con bú. Hạnh tâm sự: “Từ ngày em sinh con, anh ấy hiền ra nhiều. Anh ấy không đi đòi nợ thuê nữa mà đi làm bốc vác. Vất vả một tí nhưng là lao động chân chính. Chồng em nói, anh ấy không muốn sau này con gái phải xấu hổ vì bố nó”.

Chồng mê bóng đá, cuống cuồng đưa vợ đi đẻ

Nhà nội ngoại không ở gần nên khi vợ mang bầu, anh Hùng một mình chăm vợ. Ngay khi vợ báo tin chị đang mang thai, anh đã bắt đầu lên thực đơn chăm vợ. Chủ trương của Hùng là “béo một tí cũng không sao, miễn là con khỏe”. Thế nên đủ các món bổ dưỡng được anh nấu cho vợ. Vợ ăn thì Hùng cũng ăn. Vợ tăng cân nào, Hùng tăng cân ấy. Hàng xóm gọi đùa vợ chồng anh là hai vợ chồng cùng có em bé. Hùng là đàn ông nhưng lại khá cẩn thận. Lại thêm đây là lần thứ hai anh làm bố nên mọi việc cũng dễ dàng hơn. Trước ngày vợ đẻ một tháng, anh đã chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết để mang đi. Tưởng mọi thứ thế là tươm tất nhưng Hùng có một nhược điểm. Anh cực kì mê bóng đá. Hễ liên quan tới bóng là anh quên hết mọi thứ khác.

Đồng nghiệp và bạn bè vẫn thường gọi Hùng là thằng “Tôi yêu bóng đá” thay cho tên cúng cơm bởi sự cuồng nhiệt quá mức của anh đối với môn thể thao vua này. Trong mỗi cuộc nhậu, khi đã ngà ngà say, bao giờ Hùng cũng nói đến việc: “Sau này tao chết, chúng mày đừng đi phong bì nhé. Cứ mang hết những thứ liên quan đến bóng đá rồi đốt cho tao. Nhớ dặn vợ tao đừng thờ gà, vịt. Để quả bóng trên bàn thờ cho tao là tao mãn nguyện”. Cái sự yêu bóng đá của Hùng được thể hiện qua tất cả các hành động và lời nói của anh. Nói Đông nói Tây, bằng mọi cách Hùng cũng sẽ lồng ghép được ngôn ngữ bóng đá vào câu chuyện của mình. Trong điện thoại của anh, hầu hết bạn bè đều được lưu theo tên của cầu thủ bóng đá. Cũng nhờ môn thể thao này mà Hùng gặp được Giang và gây được cảm tình với cô.

Giang cầm đầu đội cổ vũ đội bóng đá của trường, tất cả các giải trường, khoa, liên khoa, liên trường đều có mặt cô gái này. Cô không đàm mê bóng đá nhưng ham vui và sức hò hét hơn người nên được tuyển vào đội dần dà lên làm đội trưởng. Giang trên Hùng một khóa. Hùng nằm trong tuyển trường. Trước khi vào đội, anh đã thích cô gái có mặt mọi nơi, mọi lúc nơi có các trận bóng diễn ra này. Từ thuở cha mẹ sinh ra đến giờ, Hùng chưa từng gặp được ai là phái nữ lại cuồng nhiệt với bóng như vậy. Sân bóng trở thành nơi gặp gỡ của họ. Họ cũng tổ chức đám cưới tại đây với vật trang trí chủ đạo là những trái bóng đủ màu sác.

Đến khi thành vợ chồng, Hùng mới biết, Giang chẳng hề hiểu chút nào về luật bóng đá dù cô thuộc tên của tất cả các cầu thủ trong các đội nổi tiếng. Tuy nhiên, anh vẫn hạnh phúc vì vợ luôn ủng hộ sở thích của anh và tạo điều kiện cho anh được sống với niềm đam mê của mình. Giang sẵn sàng chờ cơm Hùng đến 10 giờ đêm để anh được đi đá bóng với các bạn hoặc sẵn sàng nằm cạnh chồng, thức xem bóng cùng anh và tỏ vẻ hứng thú khi nghe anh bình luận. Đó là điều không phải bà vợ nào cũng có thể làm được.

Khi Giang mang thai đứa thứ hai, siêu âm là con trai, Hùng mừng lắm. Anh mường tượng tới cảnh anh sẽ dạy cho con về bóng đá, rồi hai bố con sẽ cùng xem bóng, cùng bình luận. Tuy nhiên, việc vợ có bầu cũng gây khá nhiều rắc rối cho “Tôi yêu bóng đá”. Thời gian chơi bóng và xem bóng của anh bị rút ngắn thay vào đó, Hùng phải đưa vợ đi khám thai, đi mua đồ cho em bé, đi ăn mỗi lúc cô thèm một món gì đó. Giang cũng thèm ngủ nhiều hơn nên Hùng phải xem bóng một mình, không được hò hét vì sẽ làm ảnh hưởng đến vợ. Hùng phải cố gắng vì tương lai con em của chính anh. Không kêu ca, không than phiền dù chuyện này khiến anh bứt rứt vô cùng. Mỗi lần đưa vợ lên phố vào giờ có trận, anh tập trung hết sức vào các quán cà phê. Hễ đi qua là anh phải dừng lại vài phút để xem ké. Rồi lúc nghe tiếng hò hét chúc mừng một trận vừa có bàn thắng được ghi, Hùng cuống cuồng phóng ga.

Có lần, anh còn dựng luôn xe ở vỉa hè rồi nói vợ chờ chút, anh chạy vào gõ cửa nhà gần đó nhất và xin vào xem nhờ. Hùng xem nhờ rồi quên luôn cả vợ. Hết hiệp hai, tức là 45 phút sau anh mới giật mình chạy ra thì vợ đã về từ bao giờ. Lần ấy, Giang giận Hùng chẵn một tháng mới nói chuyện trở lại. Sau lần ấy, Hùng tập trung vào vợ nhiều hơn. Nhưng trời không chiều lòng người, ngày vợ trở dạ lại đúng là ngày có trận anh đã mong chờ từ lâu. Đó là trận đấu vô cùng quan trọng. Đưa vợ đến viện mà lòng Hùng như lửa đốt, một mặt lo cho vợ một mặt sốt ruột vì trận đấu đã rục rịch bắt đầu. Trong lúc vợ gào thét trong phòng đẻ thì Hùng ở ngoài căng thẳng theo dõi trận đấu từ radio. Mẹ vợ đi ra đi vào nói: “Tội nghiệp thằng bé! Chắc nó lo lắng quá”. Đúng lúc con trai anh chào đời thì trận đấu cũng vừa kịp kết thúc. Đội bóng yêu quý của anh thua. Hùng bật khóc rưng rức. Những người trong viện nhìn thấy cảnh đó thì bật cười nói: “Trần đời tôi chưa thấy ai được làm bố mà lại xúc động như anh chàng này”. Chỉ có Hùng mới hiểu. Trời ơi! Đội bóng mà anh yêu đã thua mất rồi!

Thế nhưng chuyện vẫn chưa hết. Giang thừa hiểu tính chồng. Cô giận chồng vì không đón con lúc nó ra đời mà lại cắm mặt vào cái tivi để xem bóng. Chẵn một tháng trời Giang không cho chồng động vào con, cô cũng không cho chồng vào thăm thằng bé. Hùng chỉ được nhìn con và cưng nựng nó đôi chút khi bà ngoại thương tình bế cháu đi tắm rồi cho nó ra gặp bố một tí. Khi cơn giận đã nguôi, Giang mới cho phép Hùng làm nghĩa vụ của một người chồng, một người bố. Hùng nói: “Em ân hận lắm rối. Giờ có cho tiền em cũng không dám bỏ vợ đang đẻ để đi xem bóng đá nữa”.

Gian nan đưa vợ đi đẻ

Lấy nhau tới 5 năm, Hằng mới mang thai nên chẳng riêng gì vợ chồng cô mà cả hai họ đều mừng. Mà mừng hơn nữa là cái thai sẽ thành hình và chào đời vào năm Nhâm Thìn. Mẹ chồng sung sướng, cứ tấm tắc: “Mày khéo chọn quá con ơi. Sinh con trai vào năm nay thì còn gì bằng nữa”. Trước đấy, Hằng phải chịu ấm ức rất nhiều. Ăn uống phải cầm chừng vì mẹ chồng nói chị ăn lắm quá nên bị tịt, mãi mà không có con. Ra vào gặp mẹ là y như rằng chị bị than thở giống đâu không biết đẻ con. Giờ thì chị đã có “bảo bối” trong tay, muốn làm vương làm tướng gì cũng được. Anh chồng trước gây sự với vợ giờ cũng bị chị trả thù. Hằng không cho nhà ngoại động tay vào bất cứ thứ gì. Tất cả đều phải được chồng và mẹ chồng làm. Mẹ chồng cơm nước, chồng giặt giũ. Đến lúc chị vào viện chuẩn bị sinh, chồng cũng phải kè kè bên cạnh. Lúc trở dạ, đau quá, Hằng vừa quát, vừa túm tóc đánh chồng. Anh chồng hoảng hốt nhưng cũng không dám vùng ra, cứ mặc cho vợ đánh.

Đến lúc đón con, chồng Hằng xúc động đỏ hoe mắt. Rồi cả đêm hôm ấy, anh và chị cứ nhìn con rồi cười. Hai người thấy lạ lùng quá bởi không dưng mình lại có con. Bác sĩ dặn dò cách để tay, cách quấn tã, anh chồng lấy giấy bút ghi lại đầy đủ như một công thức. Thậm chí, anh còn nhờ bác sĩ vẽ hình vào để cho anh dễ hình dung. Vợ sinh con xong càng ngày càng béo còn anh chồng thì cứ gầy rộc đi bởi ngày nào anh cũng thức trắng đêm để trông con cho vợ ngủ. Hễ con khóc là Hằng lại réo tên chồng. Anh chồng lúc nào cũng kè kè điện thoại, vợ gọi thì ngay lập tức phải xuất hiện. Có mỗi đứa con nên anh chồng càng phải chăm chút. Bà nội thấy cảnh chướng mắt nên nói con dâu. Anh chồng kéo tay mẹ xin lấy xin để: “Con xin mẹ. Vợ con biết đẻ là được rồi còn đâu mẹ cứ để con lo”. Con ốm, đau họng, vợ lệnh cho chồng lên mạng tìm xem phải chữa bằng thứ gì rồi anh tự đi mà làm thuốc, chị tuyệt nhiên không động tay.

Đến lúc cai sữa thì Hằng giao hẳn con cho chồng còn mình thì tung tẩy khắp nơi. Hàng xóm xung quanh chẳng lạ gì với cảnh chồng Hằng bế con đi chơi khắp xóm rồi khi có việc thì địu thằng bé sau lưng nữa. Vợ đẻ đã biến chồng thành một người đảm đang bằng kế hoạch trả thù của mình.

Các bác sĩ chia sẻ: “Người làm bố lần đầu vụng về đã đành. Đến lần thứ hai, thứ ba, họ vẫn cứ luống cuống y như lần đầu. Nghe vợ hét vì đau thì rụng rời chân tay, mặt mũi cứ xanh nhợt đi. Có người thấy vợ mình đau quá nhưng cũng không dám đứng gần để đấm lưng hộ vợ mà cứ khép nép đứng cuối giường, đầy hoảng sợ”.

Bác sĩ đã gặp không ít ông chồng khi vợ đẻ, nhận được tin, vội vã phi như bay đến, tay xách nách mang tã, quần áo, ngồi vật vờ đợi vợ rồi lấy tã của con ra lau mặt. Còn có những ông chồng khi vợ đẻ phải để vợ chỉ đạo từng li từng tí một chuyện chăm sóc chính vợ. Vợ thích ăn gì cũng phải ghi ra giấy cho chồng đi mua. Có chị ăn xong hỏi chồng tăm đâu? Anh chồng bảo em không ghi nên anh không mua. Cô vợ lại rít lên: “Cái đấy mà anh còn đòi tôi phải ghi ra nữa à? Anh có phải trẻ con đâu mà cái gì tôi cũng phải dặn. Hả? Hả? Hả?”. Anh chồng vừa tức vừa xấu hổ với các giường bên cạnh nhưng cũng không dám cãi lại vợ mà cun cút đi mua tăm ngay. Anh phân trần: “Thôi thì mấy năm mới có lần vợ đẻ, tôi chịu nhịn tí cho nhà cửa yên lành. Mà tôi tận mắt thấy vợ đẻ rồi. Đau lắm. Nên tôi có bị quát một tí cũng không vấn đề gì”. Nói rồi anh cười hì hì, vội vã đi mua tăm cho vợ luôn.