Chọn ngày đẹp… chặt chém

ANTĐ - Suy cho cùng, đã trót làm phận con người là khổ cực nhất trong muôn loài. Biết đời là bể khổ mà vẫn phải dấn bước, dấn thân. Biết những ngày nghỉ lễ dài là những “ngày đẹp” để các điểm du lịch, các dịch vụ thẳng tay “chặt chém” du khách, ấy thế mà vẫn cứ thò chân, thò tay, thò cổ vào.

- Kiếm ăn cả năm không bằng mấy ngày “chặt chém”. Thôi thì cũng phải nghiến răng, nhắm mắt giơ đầu ra cho họ… “chặt”. Họ phải “hy sinh” mấy ngày nghỉ ngơi, thư giãn để phục vụ hàng nghìn người đi chơi bời, du hí thì cũng phải tranh thủ “chém” cho bõ công chứ.

- “Chém chặt” gì thì cũng phải nương tay một chút chứ. Ai đời vịnh Hạ Long vừa được bình chọn là một trong bảy kỳ quan thế giới mà hỏi giá một phòng hai giường đơn một khách sạn hai sao thì nhân viên “quát” giá tới 1,5 triệu đồng; nếu ba giường là 1,8 triệu đồng.

- Sao bảo nhiều địa phương đã thành lập các đội “phản ứng nhanh”, lập hẳn đường dây nóng thông báo các điểm “chặt chém” để du khách tránh xa ra.

- Ăn thua gì! Người ta chọn lúc không có đoàn, đội kiểm tra thì mới… ra tay “chặt” khách. Chẳng hạn  các điểm di tích ở Thừa Thiên - Huế như lăng Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định, Đại nội Huế, các quán giải khát đồng lòng, đồng loạt “chém” khách với giá bán cao gấp 2-3 lần giá bên ngoài.

- Chẳng cần đọc báo, nghe ông kể khổ, tôi nhắm mắt cũng thừa sức hình dung cảnh “chặt chém” tàn bạo ở hầu hết các tụ điểm du lịch, vui chơi, giải trí suốt từ Nam chí Bắc. Xin báo tin cho ông để “an ủi” phần nào: ở Hàn Quốc mới đây chính quyền và cảnh sát du lịch cũng đã “ra quân” để dẹp nạn “chặt chém” du khách.

- Dù sao thì ở bên họ, “đắt xắt ra miếng”, có bị “chặt” một tí cũng chỉ xây xát nhẹ, có thể gượng cười chịu được. Chứ đâu như bên ta…

- Thôi kêu làm gì, có ai nghe thấy đâu. Tôi thấy, ông nên học theo một số người trong đó có tôi: cứ những ngày đẹp thì không đi bất cứ đâu cả, ngay cả những tụ điểm ở Hà Nội, chẳng lo sợ bị “chặt chém”.

- Tôi mới thấm câu thơ cổ: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao”.