Chọn mô hình nào cho tổ chức chính quyền địa phương?

ANTĐ - Hôm qua, 27-5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Những vấn đề hệ trọng như giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chế độ sở hữu đất đai; mô hình tổ chức chính quyền địa phương... được nhiều ĐBQH quan tâm.
Chọn mô hình nào cho tổ chức chính quyền địa phương? ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp 
của Quốc hội phát biểu


Giữ nguyên tên nước

Xung quanh vấn đề tên nước (Chương I – Chế độ chính trị), nhiều ĐBQH cho rằng, nên giữ nguyên tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng, giữ nguyên tên nước là hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay. Ông nói: “Tên gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sử dụng ổn định 37 năm (từ tháng 7-1976 đến nay), được ghi nhận bởi cộng đồng quốc tế và không gây bất kỳ sự cản trở nào cho quá trình hội nhập quốc tế của nước ta. Tên gọi này đã đi vào cuộc sống và rất đỗi quen thuộc với người dân cũng như bạn bè quốc tế”. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đồng quan điểm: “Tôi đề nghị giữ nguyên tên nước để giữ vững sự ổn định. Không nên thay đổi để rồi gây ra sự xáo trộn lớn trong đời sống xã hội.” ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cũng đồng tình không thay đổi tên nước vì rất phức tạp và không cần thiết. Ông nói: “Hàng loạt thứ sẽ phải thay đổi theo trong khi đó bản chất của Nhà nước không hề thay đổi”.

Theo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, giữ nguyên tên nước hiện nay cũng là ý kiến của đại đa số người dân. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói: “Việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp”.

Bàn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương cũng là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm. ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, 2 phương án đưa ra hiện nay đều chưa thỏa đáng và có thể gây ra những vướng mắc khó sửa chữa trong quá trình triển khai sau này. Ông nói: “Có ý kiến nói nên bỏ hẳn HĐND quận, huyện, phường nhưng cũng có người nói đây chưa phải thời điểm chín muồi. Theo tôi, 2 phương án nêu ra đều chưa đạt, chọn phương án nào cũng rất khó...”. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cũng “chê” mô hình chính quyền nêu ra trong dự thảo là “không rõ ràng”. Ông cho rằng: “Không thể chung chung được vì như thế hướng đi sau này sẽ rất mơ hồ. Phải “gia công” thêm nữa để rõ được nguyên tắc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình nào”. ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cũng cho rằng, phải làm rõ có giữ HĐND quận, huyện, phường nữa hay không. Ông nói: “Đây là vấn đề dư luận hết sức quan tâm. Phải nghiên cứu làm rõ vấn đề chứ không thể kéo dài mãi thí điểm. Nhiều cán bộ đang rất tâm tư bởi làm việc hôm nay nhưng không biết nay mai có bị “xóa” hay không?”.

Về sở hữu đất đai và thu hồi đất, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) thống nhất với hình thức sở hữu toàn dân. Tuy vậy, ĐB tỉnh Thái Bình đề nghị nên làm rõ hơn khái niệm sở hữu toàn dân trong Luật Đất đai (sửa đổi). Liên quan tới vấn đề nhiều người quan tâm là thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, không thể thiếu được vì nếu không có đất thì kinh tế - xã hội không phát triển được. Quan trọng là trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), phải xác định rõ từng trường hợp, ai có thẩm quyền được phép thu hồi phục vụ kinh tế - xã hội. Nếu là dự án do cấp tỉnh quyết định thu hồi phải áp dụng hình thức đấu giá đất hoặc áp giá thị trường khi giao đất. Cũng theo ĐB Đinh Xuân Thảo, vì dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thừa nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản được bảo hộ. Do đó, khái niệm thu hồi đất chỉ nên áp dụng cho những trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, sử dụng đất không hiệu quả hoặc bỏ hoang hóa đất. Còn những trường hợp khác nên dùng khái niệm trưng mua quyền sử dụng đất.

“Không cần Hội đồng Hiến pháp”

Việc có nên hay không lập ra Hội đồng Hiến pháp cũng được nhiều ĐBQH quan tâm. Trong khi một số ĐB cho rằng, thiết chế này là phù hợp trong điều kiện hiện nay thì nhiều ý kiến cho rằng, việc lập Hội đồng Hiến pháp là không cần thiết. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) phát biểu: “Không cần phải có Hội đồng bảo hiến. Kinh nghiệm ở một số nước cho thấy, Hội đồng này rất hiếm khi giải quyết các vấn đề liên quan tới người dân mà chỉ xử lý tranh chấp quyền lực chính trị giữa các đảng phái hay nhánh quyền lực. Ở nước ta, quyền lực Nhà nước thống nhất thuộc về nhân dân, do vậy, thiết chế này không phù hợp với nước ta. Nếu lo ngại có cơ quan nào đó ban hành văn bản pháp luật vi hiến, đã có rất nhiều cơ quan giám sát khác nhau đang hoạt động”.