Tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ 2012:

Chọn kỹ trường và ngành học

ANTĐ - Đỗ ĐH mới chỉ là điều kiện cần bởi thành công trong tương lai phụ thuộc vào lựa chọn ngành nghề phù hợp và môi trường học tập tốt. Tuy nhiên đa số thí sinh hiện nay lại quá tập trung vào việc học để thi đỗ chứ chưa quan tâm tới vế quan trọng kia - Đây là lỗi căn bản mà ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng ĐH FPT, với tư cách chuyên gia tư vấn tuyển sinh chỉ ra cho thí sinh.

Hoạt động tư vấn nghề nghiệp cần được triển khai chuyên nghiệp hơn

Chọn ngành, chọn trường sẽ quyết định tương lai

- Là người thường xuyên tham gia tư vấn cho các em học sinh chuẩn bị thi ĐH, ông thường có lời khuyên thí sinh cần lưu ý gì trước khi đăng ký dự thi?

- Học sinh lớp 12 nước ta thường dành toàn bộ sự quan tâm vào việc làm sao thi cho đỗ mà không hiểu rằng đó chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để thành công và có tương lai tốt là phải chọn được ngành học và môi trường học tập phù hợp. Cho nên phải coi việc tìm hiểu thông tin ngành nghề, trường học là quan trọng không kém việc ôn thi, luyện thi. Chọn ngành nghề là lựa chọn lĩnh vực mình sẽ làm việc nhưng chọn môi trường học tập sẽ quyết định đến việc bạn sẽ phát triển thành một con người như thế nào. Tôi lấy ví dụ bạn được học trong một môi trường minh bạch, không có tiêu cực thì bạn mới có thể trở thành một con người chính trực, có ý chí vượt qua khó khăn bằng chính sức lực của mình. Bạn được học trong môi trường tôn trọng cá nhân, tôn trọng sự khác biệt và khả năng riêng của mỗi người thì bạn mới có thể phát huy hết năng lực tiềm ẩn bên trong mình.

Cần có cách tiếp cận trực tiếp

- Vậy thí sinh nên tìm đến những kênh cung cấp thông tin tư vấn cụ thể nào để lựa chọn ngành nghề đào tạo thực sự phù hợp?

- Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay chủ yếu là do các trường cung cấp nên ít phản ánh được trung thực nhu cầu xã hội của các ngành nghề hiện nay và trong tương lai. Cũng rất tiếc rằng chúng ta chưa có được những nghiên cứu hay báo cáo đủ tin cậy về dự đoán nhu cầu nhân lực. Vì vậy để tìm hiểu về ngành nghề, cách tốt nhất là các em học sinh và phụ huynh nên tìm hiểu từ người thân, bạn bè đang công tác trong ngành. Hãy dành thời gian tham quan, đến thăm các công sở liên quan để có cái nhìn rõ ràng nhất. Để tìm hiểu môi trường học tập thì cách tốt nhất cũng là đến tham quan trực tiếp, trao đổi với những sinh viên đang học ở đó và những sinh viên đã tốt nghiệp.

- Các trường ĐH có những cách thức nào giúp thí sinh tìm hiểu về các ngành đào tạo của mình để các em có sự lựa chọn tốt nhất ?

- Trường đại học cần tổ chức các buổi “Open day” để học sinh có thể đến tham quan, tìm hiểu thông tin, giao lưu với sinh viên và giảng viên, thậm chí có thể đăng ký học thử. Ngoài ra các thông tin trên website cũng là những nguồn thông tin chính thức giúp các em học sinh có thể biết nhiều thông tin chi tiết về chương trình đào tạo cũng như các hoạt động khác tại trường.

- Việc phối hợp giữa các trường ĐH, trường phổ thông trong việc tư vấn ngành nghề cho thí sinh có hiệu quả không?

- Các hoạt động này gần đây đã phát triển khá mạnh mẽ, tuy nhiên do thời gian có hạn cũng như chất lượng của các chuyên gia tư vấn chưa thật sự tốt nên kết quả vẫn còn khá hạn chế. Một đối tượng rất quan trọng nữa là phụ huynh chưa được quan tâm đúng mức.

CNTT chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu là quá ít

- Riêng với lĩnh vực CNTT, ông nhận định thế nào về nhu cầu nguồn nhân lực của ngành này với thực tế đào tạo hiện nay?

- Năm nay tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn khối ngành CNTT có tăng nhẹ so với 2011, chiếm khoảng 7%. Chỉ tiêu đăng ký hàng năm của khối ngành này ở tất cả các trường là khoảng 50.000 - 60.000 nhưng thực tế những năm cuối cho thấy các trường chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu, không ít trường không tuyển được phải đóng ngành hay đào tạo cầm chừng. Con số 25.000 -30.000/năm (chưa tính số rơi rụng trong quá trình đào tạo) là quá thấp so với nhu cầu của ngành và với mục tiêu 1 triệu nhân lực CNTT đến năm 2020.

Trong ngành CNTT có nhu cầu nhân lực ở các cấp độ khác nhau. Có nơi cần những kỹ sư chất lượng cao theo chuẩn quốc tế hay các quản trị dự án, có những công việc chỉ đòi hỏi một kỹ thuật viên hay chuyên gia được đào tạo bài bản. Đặc biệt là nhu cầu rất khác nhau về chuyên gia CNTT tại các doanh nghiệp ngoài ngành, có thể là những kỹ thuật viên hệ thống, phần cứng, bảo trì hay triển khai ứng dụng. Trường ĐH FPT mong muốn đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu khác nhau này của xã hội.

Nhất Ngân hàng - bét Sư phạm

Khảo sát tỷ lệ chọn khối ngành học của học sinh lớp 12 năm 2012 từ hơn 20.000 học sinh THPT cả nước của FPT cho thấy được ưa chuộng nhất vẫn là khối ngành Tài chính - Kế toán - Ngân hàng, Cơ khí, Điện, Kỹ thuật và Sư phạm là những ngành có tỷ lệ lựa chọn thấp nhất. Cụ thể như sau:
Tài chính - Kế toán - Ngân hàng: 23,4%
Thương mại - Ngoại thương: 15,7%
Quản trị kinh doanh: 15,6%
Du lịch - Khách sạn - Nhà hàng: 14,5%
CNTT - Điện tử viễn thông: 7,2%
Công an - Quân đội: 3,6%
Luật: 3,6%
Cơ khí, điện, kỹ thuật: 3,3%
Sư phạm: 3,3%