Chọn HLV cho đội tuyển: Chờ “cách mạng tư duy” từ VFF

ANTĐ - “Có Mourinho cũng vậy thôi!”, đó là câu nói quen thuộc của dân bóng đá khi nói về chiếc ghế HLV đội tuyển, cái ghế mà ngay cả người có năng lực khi ngồi vào cũng khó thành công bởi vướng vào những dích dắc hậu trường và tư duy trì trệ của VFF.

“Xây móng” cho ĐTQG phải từ các giải trẻ

Đối đãi như VFF thì…

Rất nhiều lúc phương án chọn HLV nội được những người có trách nhiệm cân nhắc và được dư luận đồng tình. Đó là thời điểm mà nhiều HLV trẻ xuất thân từ những cầu thủ danh tiếng, sau này được học hành bài bản và dần khẳng định tại sân chơi V-League như Nguyễn Hữu Thắng, Lê Huỳnh Đức được cho là đủ sức cầm quân đội tuyển. Ngặt nỗi, thầy nội chưa bao giờ được VFF tôn trọng hay dành cho những đặc quyền như cho thầy ngoại. 

Cái cách VFF ngỏ lời mời qua… tin nhắn, hoặc qua người trung gian để thăm dò, rồi khi cần thì mặn ngọt nhờ “chữa cháy” giùm, khi đội thất bại sẵn sàng đem HLV ra làm “tốt thí” khiến người trong cuộc cảm thấy chán ngán và chọn cách từ chối sớm cho “lành”. Cứ cách đối đãi hiền tài như vậy, VFF đã cản ngăn những khát khao cống hiến. 

Đến Mourinho cũng… bó tay

Những chuyên gia uy tín như Nguyễn Văn Vinh, Trần Văn Phúc hay Nguyễn Thành Vinh trong nhiều phát biểu đã khẳng định quan điểm: “Với thực lực hiện tại của ĐT Việt Nam, có giao cho chiến lược gia tầm cỡ thế giới như Mourinho dẫn dắt cũng chẳng khá hơn được”. Công tác đào tạo trẻ bị bỏ bê, giải VĐQG bị thâu tóm bởi ngoại binh và luôn bất ổn khiến ĐTQG không có nguồn cung cầu thủ tốt nhất. Cứ sau mỗi thất bại, VFF lại thay HLV để tạm yên dư luận, sau đó tiếp tục dựng lên một ông thầy mới rồi ấn vào tay họ một đội tuyển chắp vá, mất gốc và đặt chỉ tiêu phải vào chung kết giải này, vượt qua giải nọ mà không cung cấp cho họ thứ cần nhất.

Rõ ràng với thực lực bóng đá Việt Nam hiện nay, muốn vực dậy thành tích cho ĐTQG thì mình HLV thôi chưa đủ. Và chuyện chọn ai - thầy nội hay thầy ngoại, người Nhật hay người châu Âu - làm HLV trưởng lúc này không quan trọng bằng việc, những người có trách nhiệm có dám từ bỏ cách làm xây nhà từ nóc lâu nay, để tập trung xây cái móng vững chắc cho đội tuyển hay không.

Chờ VFF xây móng cho ĐTQG

Tân Chủ tịch Lê Hùng Dũng tuyên bố sẽ đặc biệt chú tâm đến đào tạo trẻ - phần việc mà những người nhiệm kỳ cũ đã không làm được. Ông Dũng chọn Nhật Bản làm hình mẫu và mong học được cách làm bóng đá chuyên nghiệp, bài bản từ nền bóng đá đứng đầu châu lục. J-League của Nhật Bản đang phát triển bền vững với các giải hạng Nhì, hạng Nhất có gần 100 CLB tham dự, làm trụ cho giải VĐQG. Mỗi CLB là một hệ thống đào tạo với đầy đủ từ các lứa tuổi đến đội 1 nên luôn có nguồn cung cầu thủ chất lượng dồi dào.

ĐTQG vì thế được hưởng lợi theo. Sẽ rất khác nếu nhìn vào mô hình kim tự tháp ngược của ta (V-League có 13 đội nhưng hạng Nhất chỉ lèo tèo 8 đội) luôn trước nguy cơ “sập” bất cứ lúc nào nếu một vài đội “trái gió, trở trời” buộc phải bỏ cuộc.

Ngày nhậm chức Chủ tịch VFF khóa VII, ông Lê Hùng Dũng khiến nhiều người tâm đắc với phát biểu “sẵn sàng chấp nhận bị chỉ trích trong vài năm tới khi ĐTQG chưa thể có thành tích ngay được”. Để thành công cần có thời gian và quan trọng, cần những thay đổi thực sự trong tư duy lẫn hành động, chứ không phải chỉ dừng ở lời nói của lãnh đạo Liên đoàn.