Chọn đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

ANTĐ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn. Nhưng sự nghiệp cách mạng với những chiến thắng lẫy lừng, nhân cách cao cả và văn tài của ông mãi mãi là niềm tự hào của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, của đất nước Việt Nam và của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy việc Thủ đô Hà Nội cũng như tại một số địa phương khác trong cả nước, tiến hành việc lựa chọn để đặt tên vị Anh hùng dân tộc Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho một tuyến đường, một tuyến phố thật vô cùng có ý nghĩa. 

Tuyến cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài

Ý tưởng này đang được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Điều đó vừa thể hiện tình cảm của người dân với Đại tướng, vừa là trách nhiệm của chúng ta ghi nhận công lao của một con người bình dị mà rất đỗi vĩ đại.

Với tư cách là một nhà thơ, một cựu chiến binh và là một công dân của Thủ đô, tôi xin có ý kiến tham góp vào việc lựa chọn tuyến đường phố ở Hà Nội để đặt theo tên Đại tướng.

Theo tôi, nơi có thể vinh dự được mang tên vị Anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp, là tuyến đường nối tiếp từ đường Phạm Văn Đồng hiện nay. Tuyến đường cao tốc này xưa nay được gọi nôm na là đường “Bắc Thăng Long – Nội Bài”. (Tuyến đường này bắt đầu từ phía bờ bắc cầu Thăng Long tới sân bay Nội Bài). 

Một tuyến đường mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, đây là tuyến đường theo hướng đi lên Chiến khu Việt Bắc - nơi khởi nguồn của Cách mạng và nơi khởi nguồn của Quân đội nhân dân Việt Nam, đội quân bách chiến bách thắng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy và lãnh đạo suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Thứ hai, đây là hướng tiến binh mà đội Việt Nam giải phóng quân dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Chiến khu Việt Bắc về hợp lực với nhân dân Hà Nội bảo vệ thành quả cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19 tháng 8 năm 1945 (Cầu Thăng Long gần bến Chèm nơi đội Việt Nam giải phóng quân vượt sông Hồng vào Hà Nội). 

Thứ ba, là khu vực phía tây bắc Thủ đô Hà Nội, nơi thể hiện rõ ràng nhất phát triển của Thủ đô trong gần ba mươi năm đổi mới, nơi đây đã có nhiều tuyến đường mang tên những nhà cách mạng tiền bối như: Đường Phạm Hùng, đường Lê Đức Thọ, đường Xuân Thủy, đường Hoàng Quốc Việt hợp lưu với đường Phạm Văn Đồng, qua cây cầu Thăng Long - biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế cao cả của những người cộng sản Liên Xô anh em.

Thứ tư đây là tuyến đường đi lên một sân bay quốc gia có tầm cỡ quốc tế, còn có ý nghĩa là nâng tầm thời đại của đất nước bay lên, cất cánh bay vào kỷ nguyên “Dân cường, nước thịnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” như ý nguyện của bao lớp tiền bối.

Thứ năm, đây là tuyến đường có ý nghĩa tâm linh thấm đẫm lòng tự hào dân tộc: là hướng dẫn tới đỉnh núi Sóc, nơi vị Anh hùng dân tộc Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời sau khi đánh tan quân xâm lược, đây cũng chính là tuyến đường cuối cùng mà thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua, trước khi ông về quê mẹ Quảng Bình. Nó càng có ý nghĩa ghi lại chặng đường mà anh linh vị Anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp để lại dấu ấn với Thủ đô Hà Nội, nơi Đại tướng đã gắn bó trong suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng, mà chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vang mãi bản hùng ca thời đại, cũng hướng tây bắc Hà Nội đó “rồng lửa Thăng Long” từ các trận địa đặt trên địa bàn huyện Đông Anh, đã vút bay lên quật đổ tại chỗ siêu pháo đài bay B52 Mỹ. Chiến thắng của 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 đã ghi đậm dấu ấn chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, tuyến đường vinh dự mang tên “Đường Đại tướng Võ Nguyên Giáp” sẽ là một “xa lộ” của công cuộc xây dựng nước ta hiện đại, văn minh và có tầm vóc thời đại như mong nguyện của Đại tướng.