Đáp ứng kỳ vọng của cử tri thủ đô:

Chọn đột phá phát triển

ANTĐ - Hà Nội đang trong quá trình chạy đà cho nhiệm kỳ 5 năm 2011-2016 với bộ máy nhân sự vừa được cử tri bầu chọn. Bức tranh kinh tế - xã hội mà chính quyền các cấp đang hướng tới trong 5 năm tới sẽ ra sao?
 

Ông Nguyễn Huy Việt -  Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm: Lấy đất “nuôi” đất

- Là huyện ngoại thành còn nhiều khó khăn, Gia Lâm sẽ chọn đâu là điểm nhấn cho nhiệm kỳ 2011-2016?

- Một trong những khâu đột phá của huyện Gia Lâm trong giai đoạn 5 năm tới là xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đặt mục tiêu tới năm 2016, 50% số xã của huyện Gia Lâm (10 xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đã dự tính ưu tiên đầu tư trước cho các xã hiện nay đã gần đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã khác cũng không ngồi chờ mà cũng phải làm đồng bộ theo để tới 2020, toàn bộ các xã sẽ đạt chuẩn. Nếu làm được, hạ tầng của khu vực nông thôn Hà Nội sẽ đổi khác rất lớn.

Muốn làm được việc này trước hết phải lập quy hoạch cho tất cả các xã trên địa bàn Gia Lâm. Dự kiến, toàn bộ quy hoạch sẽ phải xong trong năm 2013. Đây là việc không đơn giản nhưng huyện sẽ làm được.

 - Huyện sẽ lấy đâu ra hàng nghìn tỷ đồng để làm việc này?

- Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới đang là vấn đề. Quy mô đầu tư cho mỗi xã xây dựng nông thôn mới sẽ lên tới 200 tỷ đồng. Chúng tôi đã dự kiến nhiều nguồn cho số vốn đầu tư này. Có nguồn từ ngân sách thành phố, của huyện và từ xã hội hóa, đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó, tiền từ đấu giá đất sẽ chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2011, tiền thu từ đấu giá đất của Gia Lâm sẽ được gần 1.000 tỷ đồng.

- Nhưng nếu bất động sản cứ lình xình mãi thế này, thì sao dễ thu tiền về?

- Đó cũng mới là dự tính, còn nếu kinh phí quá thiếu, huyện sẽ phải đề nghị thành phố có cơ chế đặc thù cho Gia Lâm để có đủ vốn bố trí cho xây dựng nông thôn mới. Nói chung, đây là việc khó, cần lộ trình dài hơi và nguồn vốn lớn để thực thi...

Ông Vũ Đức Bảo - Bí thư Quận ủy Long Biên: Kinh tế tri thức là mũi nhọn

 

- Thưa ông, Long Biên đã xác định đâu là mũi nhọn kinh tế trong những năm tới?

- Các quận, huyện đều đã có quy hoạch kinh tế - xã hội nhưng nói thật hỏi mũi nhọn kinh tế là gì thì ít ai trả lời ngay được. Chúng ta không tham vọng làm nhiều nên cần phải có trọng tâm, trọng điểm thật rõ ràng... Vấn đề ở đây là phải làm rõ “kinh tế mũi nhọn” của địa phương là gì mới có thể hoạch định chiến lược phát triển một cách hiệu quả. Từ đó, mới có cơ sở nâng cao đời sống người dân. Trong những năm tới, quận Long Biên đã lựa chọn dự án khu công viên công nghệ phần mềm đầu tiên của miền Bắc, rộng 43ha, nằm trong khu đô thị Sài Đồng A là mũi nhọn cần tập trung triển khai.

- Ý ông muốn đề cao kinh tế tri thức, dường như Long Biên chưa khai thác được lĩnh vực này ở nhiệm kỳ trước?

- Điểm sáng công nghiệp này khác hẳn những gì trước đây quận đã từng thực hiện. Sản xuất một phần thôi, trong đó, còn có cả đào tạo nghề, dịch vụ, trung tâm thương mại...

Quận cam kết tạo mọi điều kiện cho chủ đầu tư để triển khai dự án nhanh nhất. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng phải chủ động cùng Hà Nội và các cơ quan chức năng để sớm triển khai GPMB, tạo quỹ đất sạch và xây dựng hạ tầng xung quanh khu công viên. Ngoài ra, khu công viên này sẽ cần lượng lao động chất lượng cao rất lớn. Ngay từ bây giờ đã phải nghĩ tới đào tạo đội ngũ lao động để cung cấp sau này. Đây là việc quan trọng không kém đầu tư xây dựng hạ tầng.

- Long Biên là quận đô thị hóa rất mạnh, các ông sẽ lựa chọn xu hướng nào cho phát triển đô thị?

- Cùng với dự án công viên phần mềm, Long Biên cũng đang hướng tới mô hình đô thị sinh thái, đô thị xanh nhằm xây dựng hình ảnh một quận mới hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được môi trường xanh,
sạch, đẹp... 

 

Ông Lê Tiến Nhật - Bí thư Quận ủy Đống Đa: Giảm tiếng kêu về thủ tục hành chính

- Giai đoạn 2011-2016, Đống Đa sẽ chọn cho mình lĩnh vực nào để đột phá?

- Quận Đống Đa tiếp tục chọn cải cách hành chính là khâu đột phá trong 5 năm tới. Vừa rồi, chúng ta đã có những kết quả nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của dân, đây đó vẫn còn những tiếng ta thán. Kể cả điều kiện làm việc, cơ chế đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ, công chức cũng còn vấn đề. Bộ phận một cửa ở nhiều phường hiện nay rất chật chội nhưng muốn mở rộng là cả vấn đề, ta chưa làm ngay được. Đãi ngộ cho cán bộ ở “một cửa” cũng còn khó khăn, anh em rất tâm tư. Phân công thì họ đành làm thôi chứ thực ra còn ngại ngần.

- Đống Đa có nhiều Chủ tịch UBND phường trẻ măng, đó có phải chủ trương của quận?

- Để cải cách hành chính, trẻ hóa cán bộ cũng là vấn đề được quận đặc biệt quan tâm. Câu hỏi khó đặt ra ở đây là nguồn lấy từ đâu? Ta lại phải quay lại vấn đề đãi ngộ, lương thấp như thế thì sao thu hút được những người giỏi. Do đó, rất cần sự mạnh dạn tìm cán bộ trẻ ở nhiều nguồn khác nhau, giao cho họ việc để đào tạo, bồi dưỡng. Đây là việc phải làm dần, không thể xong ngay một lúc.

- Nằm ngay khu trung tâm, Đống Đa rất hay có ùn tắc giao thông, quận có tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng?

- Hạ tầng giao thông cũng là hướng phấn đấu của Đống Đa trong những năm tới. TP cũng tập trung đầu tư cho Đống Đa. Sắp tới sẽ nối dài đường vành đai I, từ Ô Chợ Dừa tới Hoàng Cầu. Tiếp đó là dự án đường vành đai II, từ Vương Thừa Vũ tới Ngã Tư Vọng. Quận cũng sẽ dứt điểm tuyến Cát Linh - La Thành - Láng... từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn. Nhiệm vụ của quận là phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức GPMB. Đây là việc phức tạp, có rất nhiều áp lực... nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa.

LTS: Hà Nội đang trong quá trình khởi động, chạy tạo đà cho nhiệm kỳ 5 năm 2011-2016 với bộ máy nhân sự vừa được cử tri lựa chọn trong kỳ bầu cử hồi tháng 5-2011. Bức tranh kinh tế - xã hội mà chính quyền các cấp đang hướng tới trong 5 năm tới sẽ ra sao? Đâu sẽ là những điểm nhấn, khâu đột phá quan trọng mà các quận, huyện đang hướng tới? Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo một số quận, huyện xung quanh vấn đề này.