Nhìn lại SEA Games 27

Chơi vơi giữa “ao làng”

ANTĐ - Nếu nhìn vào cách “đối thủ” Thái Lan giành ngôi nhất toàn đoàn đầy thuyết phục, hay cách Singapore, Malaysia “gặt Vàng” các môn Olympic, rõ ràng việc thể thao Việt Nam phải chật vật mới đạt chỉ tiêu 70 HCV ở đúng ngày thi đấu cuối, cho thấy chúng ta vẫn chưa bứt ra khỏi sân chơi “ao làng”.

'

Thể thao Việt Nam chưa đủ năng lực và dũng cảm để bứt lên
khỏi sân chơi “ao làng” như SEA Games

Ở đại hội năm nay, việc dự đoán huy chương của các bộ môn và lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam nói chung cách quá xa so với thực tế. Môn bắn súng, dự tính giành 1-2 HCV nhưng cuối cùng lại xuất sắc mang về tới 7 HCV, hay đua thuyền với 2 tuyển canoeing và rowing đặt chỉ tiêu tối thiểu 4 HCV nhưng rốt cuộc chỉ có duy nhất 1 HCV. Rõ nhất là ở môn điền kinh. Ngày lên đường, lãnh đạo bộ môn tuyên bố giành từ 10-12 H CV, thậm chí còn kể vanh vách tên VĐV - chủ nhân của những huy chương đó. Thực tế sau đó, môn thể thao nữ hoàng đã đạt chỉ tiêu, góp 10HCV cho đoàn. Nhưng mổ xẻ ra mới thấy, có tới một nửa VĐV đoạt HCV… không nằm trong dự đoán của BHL như Nguyễn Văn Lai (5.000m, 10.000m), Nguyễn Văn Hùng (nhảy 3 bước nam); Phạm Thị Bình (42km marathon), Dương Văn Thái (1.500m).

Trong khi đa số các “nhà vô địch phát sinh” này phải quanh quẩn tập chay tại các trung tâm HLTTQG trong nước thì những niềm hy vọng Vàng “chóng mặt” với các chuyến tập huấn, thi đấu nước ngoài lại gây thất vọng. Điển hình như trường hợp Quách Thị Lan, người được đầu tư gần 5 tỷ đồng cho tấm HCV SEA Games 27 nhưng rốt cục chỉ giành HCB. Trưởng đoàn Lâm Quang Thành thừa nhận: “Điền kinh Thái Lan có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho SEA Games 27 và chúng ta phải học hỏi họ rất nhiều ở điểm này”. Còn các lãnh đạo tuyển điền kinh, khi đánh giá về kết quả của đội đã thừa nhận rằng nhiều VĐV đoạt HCV khiến họ bất ngờ. 

Ở tuyển bơi, Quý Phước sau khi không bảo vệ được ngôi vô địch 100m tự do, thừa nhận thua cuộc vì đánh giá sai đối thủ. “VĐV của Indonesia tiến bộ quá nhanh, chỉ trong một năm đã rút ngắn thành tích tới 2 giây khiến tôi và cả BHL bất ngờ”, nam kình ngư số 1 Việt Nam thừa nhận. “Biết mình” và “biết người” là vũ khí để chiến thắng, nhưng thể thao Việt Nam lại không chuẩn bị tốt nhất 2 yếu tố này trong “trận đánh” SEA Games 27, không đánh giá đúng thực lực VĐV của mình lẫn của đối phương.

Suốt chặng đường SEA Games 27, đoàn Việt Nam (và cả các đoàn khách khác) không ít lần chứng kiến cảnh VĐV bị xử ép, mất huy chương một cách oan ức. Nhưng đó đa phần đều xuất hiện ở các môn phổ biến trong phạm vi khu vực, không thuộc nhóm các môn cơ bản Olympic. Điều này càng đáng suy ngẫm hơn nếu nhìn qua một số quốc gia khác trong khu vực. Bất chấp chủ nhà Myanmar dùng mọi cách thâu tóm huy chương, Thái Lan vẫn khẳng định vị thế số 1 với ngôi đầu toàn đoàn, chưa kể cả 4 môn bóng đá họ đều gặt Vàng như tuyên bố đầy tự tin trước đó. Malaysia, Singapore hay Indonesia dù không có mặt tốp 3 dẫn đầu nhưng vẫn có thể tự hào khi chiếm đa số HCV các môn Olympic. Còn với Việt Nam, có cảm giác như chơi vơi giữa “ao làng” khu vực, chật vật gom nhặt những tấm huy chương ở các môn kém phổ biến để bù lại sự kém cỏi ở các môn Olympic. Chuyện tiếp tục “chạy theo” SEA Games hay lược giản số môn thi, số VĐV tham dự để tập trung tài lực cho ASIAD vẫn còn là chủ đề tranh cãi giữa lãnh đạo ngành thể thao. Đến bao giờ, chúng ta mới được cảm giác dự giải mà không phải lo mất huy chương vì trọng tài, vì chủ nhà và tự tin thống trị các môn trọng điểm SEA Games?

Khoảnh khắc ấn tượng

Trong vô vàn khoảnh khắc đáng nhớ của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 27, khoảnh khắc gây xúc động, ám ảnh nhất có lẽ là hình ảnh nữ VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc khóc nức nở vì mất HCV 20km đi bộ và mang theo những giọt nước mắt ấm ức lên bục nhận huy chương. Phúc bị trọng tài xử ép khi để VĐV của chủ nhà ngang nhiên chạy bộ về đích. Giọt nước mắt ấm ức của Thanh Phúc cũng đại diện cho nhiều VĐV của Việt Nam bị mất huy chương vì trọng tài xử ép trắng trợn, đồng thời cho thấy sân chơi SEA Games vẫn còn đậm chất “ao làng”.