Nghịch lý ngành xã hội:

Chới với cơ hội việc làm

ANTĐ - Nhận định của giám đốc Cổng thông tin việc làm MyWork cho thấy nhóm ngành xã hội rất ít được chú trọng so với ngành kinh tế, kỹ thuật. Thống kê có tới 75-85% trong tổng số 200.000 việc làm và 350.000 ứng viên đăng ký thông tin liên quan đến kinh tế, kỹ thuật trên trang này cho thấy sự khó khăn rõ rệt với sinh viên ngành xã hội.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp khó kiếm việc làm vì thiếu thông tin

10 năm đào tạo mới đủ nhân lực cho 5 năm

Đưa ra cái nhìn lạc quan về nhu cầu nguồn nhân lực khá lớn đối với ngành xã hội, ông Phan Viết Hoàn, Giám đốc  Cổng thông tin việc làm MyWork nhấn mạnh vào Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 thì từ nay đến năm 2015, cả nước sẽ cần 30.000 người cho ngành công tác xã hội. Mỗi xã, phường, thị trấn cần có ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội. Trong khi đó, ngành công tác xã hội mới chỉ được mở ở hơn 30 trường ĐH, CĐ trên cả nước, đào tạo khoảng 1.500 đến 2.000 sinh viên/năm. “Sẽ phải mất khoảng 10 năm với tiến độ đào tạo như vậy để đáp ứng nhu cầu số lượng cần có trong 5 năm tới” – ông Hoàn khẳng định. Bên cạnh đó, nhu cầu về nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực  an sinh xã hội và công tác xã hội đang ngày càng cấp thiết để giải quyết các vấn đề khủng hoảng tài chính, đạo đức, lối sống, suy thoái môi trường...

Tuy vậy, việc có tiếp cận được với nhu cầu việc làm thực tế hay không lại là việc khác. Thông tin từ Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội cho thấy, các cử nhân ngành xã hội vẫn là một trong những nhóm khó kiếm việc làm nhất. Thủ khoa tốt nghiệp ngành công tác xã hội trường ĐH Thăng Long Hoàng Quý Ly đã chia sẻ bản thân cũng phải mất khá nhiều thời gian để tìm việc, nộp hồ sơ xin việc khắp nơi. Trong khi đó cơ hội làm các việc trái nghề như marketing, quảng cáo, truyền thông... lại nhiều hơn hẳn so với cơ hội có việc làm đúng nghề được đào tạo.

Khả năng thích ứng công việc chưa cao

Đây là đánh giá của bà Vũ Thu Hà, Giám đốc Công ty CP ứng dụng tâm lý Hoa Mặt trời. Với đặc thù công việc là cung ứng các dịch vụ về đào tạo và phát triển con người trong đó có các cử nhân, thạc sỹ tốt nghiệp khối khoa học xã hội và nhân văn, bà Hà cho biết, chỉ một số bạn nhanh chóng hòa nhập được với công việc còn số đông gặp nhiều khó khăn và bỏ cuộc hay bị cho nghỉ việc.

Còn theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN với gần 3.000 sinh viên ra trường từ năm 2006-2010 của ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM và ĐH Huế thì có đến 26,2% cử nhân cho biết chưa tìm được việc làm, dù được tính là bất cứ công việc có thu nhập đúng hay không đúng ngành nghề đào tạo. Đáng nói là trong số này có 46,5% cho biết đã đi xin việc nhưng không thành công, 42,9% chọn giải pháp an toàn là tiếp tục học.

Phân tích về thực trạng này, bà Vũ Thu Hà cho biết những vấn đề mà các ứng viên của công ty giới thiệu không được tuyển dụng do những nguyên nhân khá điển hình như thiếu kỹ năng nghề nghiệp. “Những ứng viên khối KHXH&NV có hệ thống lý thuyết tốt, tuy nhiên chuyển sang thực hành thì lại chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Phần nữa là nhiều kiến thức xa rời thực tế” – bà Hà cho biết.

Còn một trong những lý do khiến các cử nhân đại học “chới với” trong thị trường lao động là sự thiếu định hướng nghề nghiệp và thông tin gắn với ngành đào tạo. TS. Trịnh Văn Tùng,  giảng viên chính trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN cho biết, khảo sát về nhận thức hướng nghiệp hơn 100 sinh viên của ĐHQGHN thì có tới 70% sinh viên trả lời chưa chắc chắn về công việc và không có nhiều thông tin về hệ thống nghề. “Chúng ta có thể thấy, ảnh hưởng của việc học để lấy bằng đại học được thể hiện rõ và khá phổ biến trong sinh viên. Lẽ ra, công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp ra trường là điều họ cần phải nghĩ tới nhiều nhất” - TS. Trịnh Văn Tùng phân tích.

Tin cùng chuyên mục