Chơi trò “lộng giả thành chân”

ANTĐ - Việc binh sĩ Trung Quốc liên tiếp xâm nhập sâu vào lãnh thổ Ấn Độ sau đường ranh giới kiểm soát giữa hai nước tại khu vực tranh chấp đã cho thấy Trung Quốc muốn chơi trò “lộng giả thành chân” với New Delhi.

Binh sĩ Ấn Độ (phải) và binh sĩ Trung Quốc tại đường LAC được xác định giữa hai nước

Hãng thông tấn PTI của Ấn Độ đêm 18-8 dẫn các nguồn tin chính thức cho biết một đội tuần tra của Ấn Độ đã phát hiện lính Trung Quốc xâm nhập sâu trong lãnh thổ nước này khoảng 25-30 km tính từ Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) thuộc khu vực Burtse ở Ladakh, bang Jammu-Kashimir. Mặc dù đi cùng đội tuần tra Ấn Độ có một đội phản ứng nhanh nhưng cũng không giải quyết được vụ việc vì binh sĩ Trung Quốc không chịu rời vị trí. Cuối cùng, các binh sĩ Ấn Độ đã quay về căn cứ và báo cáo lên cấp cao hơn. 

Cho dù một phát ngôn viên của quân đội Ấn Độ ở bang Jammu-Kashmir sau đó đã không xác nhận thông tin mà hãng thông tấn lớn nhất của nước này đăng tải song thời gian qua báo chí Ấn Độ đã liên tục phản ánh về việc lính Trung Quốc xâm nhập sâu vào lãnh thổ nước này. Gần đây nhất, Chính phủ Ấn Độ ngày 27-7 đã phải lên tiếng cáo buộc binh lính Trung Quốc vượt qua đường LAC dọc biên giới 2 nước tại vùng Ladakh thuộc bang Jammu và Kashmir, chỉ 5 ngày sau vụ việc tương tự xảy ra ngày 22-7.

Các vụ binh lính Trung Quốc liên tục xâm nhập sâu vào lãnh thổ Ấn Độ mới đây diễn ra không lâu sau chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Ấn Độ hồi tháng 6 với những lời lẽ được xem là “có cánh” như “thân thiện, hiệu quả, thiết thực” hay “Trung Quốc luôn đứng bên Ấn Độ”… Những phát ngôn được xem như “lời đường mật” về mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ này được ông Vương Nghị thốt lên ở New Delhi ngay sau khi Chính phủ mới lên cầm quyền ở Ấn Độ.

Một năm trước đây, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc bất ngờ trở nên căng thẳng hồi tháng  8-2013 sau một loạt cuộc xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ của binh lính Trung Quốc ở khu vực đường LAC, trong đó có toán lính Trung Quốc đi sâu 20 km và dựng lều dã chiến ở lại suốt 4 ngày bất chấp các hoạt động xua đuổi của Ấn Độ. Điều đáng nói là các cuộc xâm nhập này diễn ra ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề Hội nghị Cấp cao Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS ở Brazil ngày 15-7-2013 đã cam kết rằng Bắc Kinh sẽ tìm giải pháp cho vấn đề tranh chấp biên giới với New Delhi. 

Hiện quan hệ giữa hai cường quốc đông dân nhất thế giới vẫn tồn tại vấn đề tranh chấp lãnh thổ, trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90.000km2 lãnh thổ tại bang Arunachal Pradesh mà Bắc Kinh gọi là miền nam Tây Tạng thì Ấn Độ lại tuyên bố chủ quyền đối với 38.000km2 lãnh thổ hiện do Trung Quốc kiểm soát tại vùng Aksai Chin ở phía tây, cũng như hơn 5.000km2 đất tại Kashimir mà Pakistan chuyển cho Trung Quốc theo thỏa thuận biên giới 1963. Tranh chấp lãnh thổ từng làm bùng phát cuộc chiến tranh vào tháng 10-1962 giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Từ đó đến nay, trong khi chưa giải quyết được vấn đề tranh chấp biên giới, binh lính Trung Quốc thường “đi lạc” sâu hàng chục kilômét vào lãnh thổ Ấn Độ với lý do “đường ranh giới không rõ ràng”. Đi “lạc” nhiều lần như vậy là cách mà Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền và đó cũng là một thực tế mà Ấn Độ phải xử lý trong công tác kiểm soát và bảo vệ lãnh thổ của mình.