"Choáng" với chủ tịch Keangnam: Chết 6 người vẫn còn...ít

ANTĐ - Ông Ha Jong Suk cho rằng với công trình như Keangnam, chỉ có 6 người tử vong là con số nhỏ, chứ không lớn

Chiều 6/12, ông Ha Jong Suk, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina trao đổi với báo giới xung quanh mức phí dịch vụ đang gây xôn xao dư luận

Vì sao chủ đầu tư lại đưa ra mức phí lên đến 17.130 đồng mỗi m2, một con số cao nhất trong các chung cư cao cấp hiện nay?

Keangnam Landmark Tower được bàn giao từ 20/3, đến nay đã có 780 hộ chuyển vào sinh sống, hiện chỉ có 320 trường hợp không đóng phí. Từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay, chúng tôi miễn phí cho cư dân và đến tháng 8, các hộ dân mới bắt đầu đóng phí dịch vụ với mức 17.130 đồng mỗi m2. Từ tháng 8 đến tháng 10, chúng tôi mới chỉ thu được mức phí chưa đến 300.000 USD, trong khi đó, thực tế chi phí sử dụng lên đến 800.000 đôla. Như vậy, chúng tôi bị lỗ không nhỏ.

Phí quản lý sẽ không có bậc thang cố định nào. Dự án có quy mô, trang thiết bị khác nhau thì phí sẽ khác nhau. Bãi đỗ xe, khu công cộng, các tầng của tòa nhà rất hiện đại, tất cả có hệ thống camera để bảo đảm an ninh. Đơn vị quản lý cũng là doanh nghiệp Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm nên mức phí sẽ cao hơn.

Ảnh: Hoàng Lan
Ông Ha Jong Suk, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina. 

- Phía cư dân cho rằng, chủ đầu tư đang vi phạm quyền sở hữu chung riêng và áp sai khung giá trần của thành phố, ông giải thích thế nào về điều này?

- Hợp đồng ghi rõ thang máy thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư nên nó là diện tích riêng của chúng tôi. Phí quản lý được thu theo quý, 3 tháng một lần. Đến tháng 9, UBND thành phố HN mới ra công văn 4520 quy định rõ về hạng mục công việc rõ ràng và đối với tùy chung cư, chủ đầu tư có thể thỏa thuận để đưa ra mức phí phù hợp.

Quan điểm của chúng tôi là không bao giờ ép người dân phải đóng ở mức phí 17.130 đồng như hiện nay. Nếu không đồng ý vận hành với mức phí này thì cư dân có thể đổi sang công ty mới, nhưng trước mắt trong quá trình chuyển giao, cư dân phải đóng phí

Ngoài hạn chế quyền sử dụng thang máy của những hộ chưa đóng phí, cư dân phản ánh có trường hợp đã đóng tiền điện đầy đủ vẫn bị cắt, vì sao vậy thưa ông?

- Những trường hợp chưa đóng phí dịch vụ, sẽ bị hạn chế sử dụng thẻ từ thang máy. Ở một vài chung cư, sau 1-3 hôm là đã cắt điện cắt nước. Nhưng chúng tôi chỉ làm với những hộ sau 3 tháng trở lên không đóng phí. Thực chất chỉ có 8 trường hợp bị cắt điện cắt nước và 320 trường hợp bị hạn chế quyền sử dụng thang máy. Còn trường hợp đóng tiền mà vẫn bị cắt có thể do nhân viên cắt nhầm.

Ảnh: Hoàng Lan
Chủ đầu tư tố cư dân đã nhốt ban quản lý trong 6 tiếng đồng hồ, chỉ đến khi cơ quan công an vào cuộc, ban quản lý mới được tự do. Tuy nhiên, đại diện cư dân đã bác thông tin này.


- Cư dân muốn chủ đầu tư thu phí 4.000 đồng và cung ứng các dịch vụ đúng như quy định của Hà Nội, trường hợp có các dịch vụ khác ngoài quy định thì hai bên cần thương thảo, ý kiến ông thế nào?

- Chúng tôi không phải là đơn vị trực tiếp điều hành do đó, cư dân phải làm việc với ban quản lý để thỏa thuận. Với 4.000 đồng thì tôi thú thực là chưa đủ vận hành 10 cái thang máy, chưa kể các tiện ích khác. Nguyên tắc cơ bản là nhận được tiền ở mức bao nhiêu thì phí dịch vụ như thế, nếu người dân không chịu đóng phí mà muốn có dịch vụ như cũ là không thể và chuyện cắt bớt dịch vụ là khó tránh khỏi.

Ông nhìn nhận thế nào về việc cắt thang máy ở tòa nhà 48 tầng dẫn đến việc nhiều người già trẻ lớn bé, thậm chí bụng bầu không về được căn hộ mà họ đã bỏ tiền tỷ ra mua để rồi phải dựng lều sống tạm ngoài sảnh?

- Nếu vậy, mọi người đóng phí vào để hưởng dịch vụ. Không thể có chuyện không đóng phí mà vẫn được cung ứng dịch vụ. Tôi nghĩ cần có sự công bằng.

Nhân đây, tôi cũng muốn nói luôn để dư luận hiểu rõ. Ngày 3/12, từ 13h đến 19h, 5 nhân viên người Hàn Quốc của ban quản lý tòa nhà đã bị cư dân bắt nhốt ở chính văn phòng của họ trong suốt 6 tiếng đồng hồ. Cư dân đã không cho họ ra ngoài, thậm chí họ đã phải đi vệ sinh vào chai Lavie. Cư dân còn mang rượu, bếp than vào quạt, hun khói. Thú thực, người nước ngoài chúng tôi đã rất lo sợ. Chỉ đến khi công an cử cán bộ sang, lúc đấy nhân viên mới có thể xuống đi lại được. Bản thân tôi thì suýt bị đánh.

Keangnam sẽ gửi công văn đến cơ quan công an Việt Nam và Đại sứ quán Hàn Quốc để bảo vệ quyền lợi của mình. Chúng tôi là nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam từ năm 2008 đến nay, trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, chúng tôi mang số tiền rất lớn để đầu tư vào Việt Nam. Keangnam Landmark Tower là dự án trọng điểm của của thành phố và chúng tôi giữ tiến độ thi công như cam kết. Tại sao các bạn không hiểu cho chúng tôi mà chỉ vì một chuyện như thế lại nhốt chúng tôi. Tôi phải thú thực đây là văn hóa lần đầu tiên tôi nhận được ở nước ngoài.

Keangnam chịu khá nhiều tai tiếng xung quang chuyện phí quản lý, vậy tại sao đến thời điểm này, khi mọi chuyện trở nên rất căng thẳng, ông mới quyết định lên tiếng?

- Là nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi ngại phát ngôn trước dư luận. Sự bất đồng về ngôn ngữ dễ gây hiểu lầm và chúng tôi sợ mình sẽ nói những điều thất thố.

Chúng tôi luôn quan niệm mình thực hiện đúng pháp luật của Việt Nam, đúng quy định của các sở ban ngành. Người Việt Nam có câu thành ngữ "Cây ngay không sợ chết đứng", thì chúng tôi cũng thực hiện đúng quy định của mình thôi. Giống như trường hợp phí đỗ xe. Tiền phí đỗ xe ôtô một tháng là 850.000 đồng thì không đủ vận hành với hệ thống trang thiết bị như thế. Nhưng pháp luật có quy định như thế, chúng tôi nhận ra rằng, quy định cũ của mình không phù hợp thì chúng tôi đã thay đổi ngay để tuân thủ đúng pháp luật.

Keangnam là một tòa nhà nổi tiếng và bên cạnh đó là không ít tai tiếng kể từ khi khởi công đến lúc đưa vào sử dụng như hỏa hoạn, chết người, đình chỉ thi công... Với tư cách là chủ đầu tư, ông nghĩ gì về điều này?

Trong kinh nghiệm lịch sử xây dựng của chúng tôi, với quy mô dự án như thế này, tôi cho rằng chỉ có 6 người tử vong là con số nhỏ, chứ không lớn. Tôi có thể khẳng định, khi xây dựng công trình ở Hàn Quốc thì đối với dự án lớn, số người tử vong có thể lên tới trên 10. Nói như vậy không có nghĩa là tôi không coi trọng mạng người, mà chỉ đơn thuần muốn nói đối với các công trình xây dựng thì chuyện tại nạn là khó tránh khỏi. Chúng tôi là doanh nghiệp nước ngoài, không quen hoạt động báo chí, nên có thể số liệu không chính thức và bị thổi phồng lên mà thôi.

Nếu cư dân và chủ đầu tư không tìm được tiếng nói chung về phí dịch vụ thì sao thưa ông?

- Đơn vị quản lý và chủ đầu tư không thể tiếp tục gánh lỗ trong việc vận hành tòa nhà này liên tục. Nếu từ đầu tuần sau, cư dân không đóng phí thì chúng tôi buộc phải dừng dịch vụ thang máy vì chúng tôi không đủ khả năng để chạy nữa. Nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung, thì tôi sẵn sàng gặp cư dân tại tòa.

Trao đổi với phóng viên, bà Trịnh Thúy Mai, trưởng ban đại diện cư dân cho hay, lời cáo buộc của ông Ha Jong Suk là vu khống. Không có chuyện cư dân Keangnam nhốt ban quản lý cũng như có động thái hành hung lãnh đạo Keangnam. Theo bà Mai, bị cắt dịch vụ thang máy, cư dân không thể về được nhà đã kéo vào chật kín phòng của ban quản lý. Cư dân yêu cầu chủ đầu tư cung cấp lại dịch vụ để người già và trẻ em có thể về nhà. "Nhốt là phải khóa cửa, không cho ra khỏi phòng. Chúng tôi không làm vậy, nên không thể có chuyện nói cư dân nhốt ban quản lý", bà Mai khẳng định.