Chợ trâu Cán Cấu

ANTĐ - Xưa nay cái xứ Simacai nơi thượng nguồn sông Chảy (huyện Bắc Hà - Lào Cai) hay Xín Mà Cái như cách gọi của người bản địa vốn có nghĩa là “Chợ ngựa” nhưng chỉ quãng độ mươi, mười lăm năm đổ lại đây mới được người tứ xứ biết tới như là chợ trâu lớn nhất nhì Tây Bắc. Cũng bởi tò mò muốn tận mắt thấy sự sầm uất của vựa trâu bò ấy mà chúng tôi đã tìm đến Bắc Hà vào một sớm tinh mơ.

Một góc chợ Cán Cấu. Ảnh: phuotcafe.com

Chợ họp từ tờ mờ sáng nơi lưng chừng con dốc Cán Chư Sử, chẳng thế mà khi chúng tôi đặt chân tới cổng chợ lúc 7h sáng đã đông đúc lắm rồi. Con đường 20km từ thị xã Bắc Hà ngược lên phía thượng nguồn hiện ra cảnh sắc tuyệt đẹp với những thửa ruộng xanh rì chờn vờn trong lớp sương sớm, phía xa lác đác vài nóc nhà ẩn hiện trong rừng cây xanh đang tỏa lên từng cuộn khói bếp. 

Chợ tuy đông nhưng không quá ồn ào. Nơi tập trung đông người nhất là khu tập kết trâu với người bán kẻ mua đang trao đổi, kỳ lạ là họ không kỳ kèo mặc cả như ta thường thấy ở dưới xuôi bởi người miền ngược vốn chân chất thật thà, nói giá để bán chứ không thêm bớt. Chợ họp vào sáng thứ 7 hàng tuần, vì thế từ vài ngày trước các lái trâu từ khắp nơi đều đã dồn cả về để trao đổi, mua bán, đông nhất là người từ dưới xuôi lên  trong số đó phần nhiều là người Phú Thọ. Và khi cuộc bán-mua đã hoàn tất, cả chủ lẫn khách cùng kéo nhau đến bên nồi thắng cố đang tỏa khói nghi ngút, nhấp môi chén rượu Si thơm nồng.  

Khu chợ dành cho phụ nữ, gọi thế là bởi đàn ông đi chợ chỉ để bán trâu hoặc ăn thắng cố. Bên cạnh những hàng nông sản địa phương thì mặt hàng chính được bày bán ở đây là những bộ áo váy của người Mông, sặc sỡ và đầy cuốn hút. Giá một bộ váy có thể lên tới tiền triệu bởi mỗi năm một người phụ nữ cũng chỉ may được tới hai bộ là nhiều. Ngày nay, có những cánh váy được may bằng vải phin, cũng rực rỡ lắm nhưng dễ may dễ làm nên giá chỉ vài chục nghìn đồng. Có thấy tận mắt mới biết người phụ nữ Mông cũng chăm làm đẹp giống như bao người phụ nữ trên thế gian này bởi ở sạp hàng trang sức với những món đồ bằng bạc như vòng, xuyến, hoa tai được chạm vô cùng tinh tế cũng đang được các chị em xúm lấy, ríu rít trò chuyện.

Có một hình ảnh đầy chất thơ mà chúng tôi thấy được ở phiên chợ, ấy là những người đàn ông đang tụ nhau lại bên những chuồng chim họa mi nơi góc chợ. Hỏi ra mới biết ấy là chợ chim họa mi, chẳng hiểu vì sao mà họa mi ở đây hót hay lắm, hay hơn hẳn dưới xuôi. Phải chăng vì được ăn, được thở thứ không khí mát lành của núi rừng hay bởi chúng cũng giống như những con người thuần phác mà chúng cất lên tiếng hót mộc mạc, ban sơ để hấp dẫn đồng loại giữa đại ngàn hùng vĩ.