Chớ tăng giá quá sốc

ANTĐ - Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 có thể vẫn giảm, nhưng tốc độ giảm thấp hơn tháng 3. Một số yếu tố tác động gây sức ép lên mặt bằng giá cả như tình hình dịch bệnh gia súc chưa được kiểm soát hoàn toàn, giá một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng biến động mang tính mùa vụ, sức mua chưa được cải thiện. Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính dự báo như vậy và cho rằng, trong những tháng còn lại, tỷ lệ lạm phát có thể sẽ thấp hơn mức 7% do nhu cầu tiêu dùng nội địa ở mức thấp.

Theo cơ quan quản lý giá, diễn biến thị trường vẫn tiềm ẩn lạm phát sẽ tăng cao trở lại do tác động độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Vì vậy, vẫn phải tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Theo đó, trong tháng 5, dự kiến Nghị định 84/CP (sửa đổi) về kinh doanh xăng dầu sẽ được ban hành sau khi liên Bộ Tài chính - Công Thương và các bộ, ngành liên quan thống nhất quan điểm về quỹ bình ổn giá xăng dầu và thời gian điều chỉnh giá. Sau 4 năm thực hiện, Nghị định 84 ngày càng bộc lộ những bất cập và yếu kém trong quản lý kinh doanh xăng dầu.

Theo chỉ đạo ban đầu của Chính phủ, Nghị định chỉ sửa đổi cơ chế xây dựng giá xăng dầu, thời gian điều chỉnh, tần suất điều chỉnh và việc điều hành quỹ bình ổn giá. Song, qua quá trình lấy ý kiến chỉnh sửa, nhiều vấn đề nêu trong dự thảo sửa đổi không đáp ứng được các vấn đề đặt ra nên cần thay thế một nghị định hoàn toàn mới. Một điểm còn gây nhiều tranh cãi trong dự thảo nghị định là quy định tính giá bình quân theo 15 ngày và 30 ngày. Trước đó, Bộ Công Thương nêu quan điểm, nên tính bình quân 15 ngày thay vì 30 ngày như Nghị định 84 và doanh nghiệp đầu mối vẫn phải đảm bảo dự trữ 30 ngày. Với cách tính đó, tới đây giá xăng dầu trong nước sẽ có độ trễ so với giá thế giới chỉ 15 ngày, thay vì chờ tính bình quân 30 ngày. Ngoài ra, thời gian điều chỉnh giá giữa hai lần liên tiếp được kiến nghị là 15 ngày thay vì 10 ngày theo Nghị định 84. Đặc biệt, thương nhân kinh doanh đầu mối xăng dầu được tự quyết tăng giá đến 7% nếu giá cơ sở tăng đến 7%. Bộ Công Thương cho biết, đến nay 26 thành viên Chính phủ đã có ý kiến lần cuối về dự thảo này. Cơ bản các ý kiến đều đồng ý, chỉ còn 2 quan điểm chưa thống nhất về việc tổ chức quỹ bình ổn giá và thời gian điều chỉnh giá.

Nghị định mới cần quy định nhiều điểm để tạo điều kiện, môi trường kinh doanh xăng dầu ngày càng cạnh tranh hơn, tăng tính công khai, minh bạch trong điều hành giá, quỹ bình ổn giá, đây là quan điểm của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Trong quý I vừa qua đã 7 lần điều chỉnh giá, xăng tăng 2 lần, giảm ổn định 5 lần. Dầu tăng 2 lần, giảm 3 lần. Điều quan trọng là, điều chỉnh giá xăng dầu làm sao để bám sát giá thế giới, song Nhà nước vẫn chủ động quản lý, không để mật độ điều chỉnh quá dày và không tăng giá quá sốc. Chỉ số giá tiêu dùng, sức mua tiêu dùng luôn chịu áp lực trong các đợt tăng giá xăng dầu.