Chợ Phiên kỳ lạ ven sông: Hẩm hiu, phận "khách thuyền"

ANTĐ - Một thuyền chợ đi tuyến dọc sông Đà gồm 3 thành phần: chủ thuyền, phu khuân vác và những người bán hàng nhỏ lẻ vốn được gọi là "khách đi thuyền". Chính “khách đi thuyền” mới là những người tạo nên sự phong phú mặt hàng cho một phiên chợ.

Chợ Phiên kỳ lạ ven sông: Hẩm hiu, phận "khách thuyền" ảnh 1Chiếc ròng rọc do anh Dương chế tạo và hướng dẫn người dân Mường Khoa, Bắc Yên xây dựng

Siêu thị kiêm ký túc xá

Một thuyền chợ thường có trọng tải khoảng 150 tấn, gồm 3 tầng. Tầng trên thuyền là khoang lái, tầng 2 là một “siêu thị thu nhỏ” thuộc sở hữu của chủ thuyền, bao gồm đầy đủ hàng hóa: hàng tiêu dùng, điện tử, vật liệu xây dựng... Tầng hầm là nơi ở của những "khách đi thuyền" (KĐT). Chúng được thiết kế như một “ký túc xá”, mọi nhu cầu sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ của khách đều diễn ra ở đây.

Mỗi KĐT bán một loại hàng, khiến các mặt hàng đến chợ vô cùng đa dạng, phong phú, từ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng dệt may, da giày, hàng điện tử đến nông cụ, con giống... phục vụ cho đủ mọi nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào vùng cao. 

Những KĐT mà tôi đã gặp hầu hết đều có thâm niên trên 10 năm buôn bán trên sông, thậm chí có người tuổi nghề gần bằng tuổi đời. Anh Chinh người Thanh Thủy, Phú Thọ mới 25 tuổi mà đã có 14 năm đi theo thuyền chợ. 11 tuổi đi theo người nhà phụ giúp bán hàng, đến năm 17 tuổi, Chinh đã tự mở hàng nước trên phiên chợ, rồi bán nông cụ, buôn lợn “cắp nách” từ miền núi về xuôi.  “Cứ hàng gì ra tiền thì em bán”, Chinh cười nói. Những tháng nước cạn, đoàn thuyền nghỉ, Chinh lại về nhà làm thợ xây. Cũng chính vì xa nhà nhiều, Chinh và vợ đã chia tay, con trai anh phải gửi ông bà ở quê chăm sóc.

“Buôn có bạn…”

“Thuyền là nhà, gia đình như quán trọ”, đó là câu tếu táo của anh Tá (quê ở Hải Dương), một dân buôn mới “nhập nghề” được 7 năm. Nhưng câu nói ấy cũng nói lên tính chất khắc nghiệt của cái nghiệp mà họ đã chọn. Với “khách đi thuyền”, mỗi ngày họ thường chỉ tiếp xúc với người mua hàng chừng vài vài tiếng khi mở phiên chợ, phần lớn thời gian còn lại, họ ngồi trên thuyền với nhau, đối diện với mênh mông sông nước. 

Anh Nguyễn Văn Tới (quê ở xã huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, một KĐT buôn bán điện tử, điện thoại) cho hay, anh đi chợ từ lúc 25 tuổi, 20 năm lênh đênh trên sông nước, hầu như anh không có thời gian dành cho gia đình, nhiều lúc cũng nhớ nhà, tủi thân, nhưng vì sinh kế, anh vẫn phải theo thuyền. Cũng chính vì cùng cảnh xa nhà, thiếu thốn tình cảm, anh Tới và những KĐT khác cùng thuyền rất ít xảy cãi vã, họ luôn biết tương trợ nhau, coi nhau như những người trong gia đình. 

Chợ Phiên kỳ lạ ven sông: Hẩm hiu, phận "khách thuyền" ảnh 2“Khách đi thuyền” sinh hoạt tại khoang của mình

Phổ biến công nghệ cho dân bản

Không chỉ buôn bán, nhiều KĐT còn nghiên cứu, sản xuất những mặt hàng phục vụ sản xuất cho nhân dân vùng cao. Dân đi chợ không ai lạ cái tên “Dương ròng rọc”, người chế ra chiếc ròng rọc giúp đồng bào dân tộc chuyển ngô thẳng từ nương về tận nhà. 

39 tuổi, 20 năm đi bán nông cụ, tiếp xúc với người dân, anh Dương hiểu được những khó khăn của dân bản trong gieo trồng, thu hoạch ngô, sắn. “Trước đây, người trồng ngô phải vác từng bao ngô về nhà, đi bộ xa vất vả lắm”, anh Dương cho hay. Nhìn những cột điện cao thế vắt dây qua sông, từ núi này sang núi khác, anh Dương nảy ý định chế tạo ròng rọc để vận chuyển ngô.  Năm 2006, “Dương ròng rọc” thiết kế ra chiếc móc sắt hình chữ S, một đầu móc bao ngô, một đầu móc vào dây cáp, anh hướng dẫn người dân Bắc Yên chôn cột, căng dây thép phi 6 từ đồi ngô  rồi chỉ việc thả trôi bao ngô về tận nhà. Bán móc thép 4 năm, anh chế thêm vòng bi vào chiếc móc giúp cho bao hàng không bị mắc kẹt giữa đường dây. “Tới nay, toàn bộ dân trồng ngô, sắn từ Mộc Châu đến Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La) đều dùng ròng rọc của mình, họ nhàn đi nhiều lắm”, anh Dương tự hào nói.

Duyên nợ với nghề

Chuyến đi này tôi may mắn gặp cô Lan (66 tuổi), một dược sỹ nghỉ hưu, là người buôn bán mặt hàng tân dược lâu năm nhất ở đoàn thuyền chợ. Chiếc tủ gỗ sạch sẽ đựng thuốc được cô kê ngay ngắn ở khoang thuyền, cứ khi thuyền cập bến, khách hàng bản địa quen thuộc lại tìm đến cô hỏi mua hàng, thắc mắc về bệnh tình. Cô Lan cho biết, đa số người dân tộc không có kiến thức về chăm sóc sức khỏe, bán thuốc cho họ phải hướng dẫn cụ thể, nhiều người không biết chữ, phải chia thuốc ra các túi màu sắc khác nhau, màu nào uống trước ăn, màu nào uống sau ăn... Cô Lan cũng là người duy nhất trong chợ có thể nói được 3 thứ tiếng dân tộc: Thái, Mông, Mường.

Chồng nghỉ hưu sớm, tất cả gánh nặng kinh tế gia đình đều phụ thuộc vào cô Lan. Nhờ nghề bán thuốc theo phiên chợ đặc biệt này, cô đã lo được cho 5 người con tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng như ĐH Tự nhiên, Ngoại ngữ, Kinh tế Quốc dân và Đại học Dược. “Nuôi được 5 con ăn học tử tế, xây nhà mặt đường, mở hiệu thuốc ngay ở nhà, ai sướng như tôi”, cô Lan hãnh diện khoe. Nhưng giọng người phụ nữ ấy  sớm nghẹn lại, mấy chục năm buôn bán trên sông, nhớ con, nhớ chồng, nhiều đêm nước mắt cứ trào ra. Được nghỉ 3 ngày về thăm nhà, cô không dám để lộ ra sự gian truân, vất vả trong các chuyến chợ cho chồng, con biết. “Nhưng cô phải đi chợ đến lúc 75 tuổi cơ, về nhà là cuồng chân lắm, con cái giờ thành đạt rồi, toàn cấm cô đi chợ, nhưng cô không nghỉ được, nhớ thuyền lắm, mình cứ như mắc nợ người dân, không dứt được cái nghiệp này”, cô Lan cười mà khóe mắt vẫn sựng nước. 

Câu nói của cô Lan cũng làm tôi chợt hiểu về mối duyên nợ của những KĐT với nghề. Họ làm việc lầm lũi,  phần lớn thời gian trên thuyền đối diện với mênh mông sông nước, sự tĩnh lặng của đêm tối cùng nỗi cô đơn khi xa nhà. Đổi lại là niềm vui vào đêm cuối phiên, khi họ tính tổng tiền hàng cho cả chuyến đi. Khi ấy, khuôn mặt họ rạng rỡ vì sắp được về nhà, nỗi cay đắng, gian truân của họ sắp được bù đắp bởi những phút giây ít ỏi bên gia đình.