Cho phép chuyên gia Trung Quốc nhập cảnh để phối hợp vận hành, bảo dưỡng tàu Cát Linh- Hà Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo kế hoạch, trong năm 2022, phía Trung Quốc sẽ cử 89 chuyên gia sang Việt Nam, chia làm nhiều đợt để phối hợp vận hành, bảo trì dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông.

Bộ GTVT vừa có văn bản cho phép mời chuyên gia Tổng thầu EPC Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam thực hiện dự án Cát Linh-Hà Đông.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT đồng ý việc mời, đón các chuyên gia Trung Quốc thuộc Tổng thầu EPC nhập cảnh Việt Nam để thực hiện dự án theo đề nghị của Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT).

Bộ GTVT giao Ban QLDA Đường sắt phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia theo quy định; tổ chức đón tiếp, quản lý chuyên gia nhập cảnh làm việc theo kế hoạch; hướng dẫn chuyên gia nhập cảnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội.

Tàu điện Cát Linh- Hà Đông đã chính thức vận hành từ 6/11/2021 sau 10 năm triển khai

Tàu điện Cát Linh- Hà Đông đã chính thức vận hành từ 6/11/2021 sau 10 năm triển khai

Trước đó, ngày 14/2, Ban QLDA Đường sắt đã có văn bản đề nghị về việc hỗ trợ thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông năm 2022.

Văn bản của Ban QLDA Đường sắt nêu, theo kế hoạch, trong năm 2022, phía Trung Quốc sẽ cử 89 chuyên gia sang Việt Nam, chia làm nhiều đợt, để phối hợp triển khai công tác vận hành cũng như thực hiện bảo trì, bảo dưỡng hệ thống. Dự kiến, nhóm chuyên gia Trung Quốc sang đợt đầu tiên sẽ nhập cảnh Việt Nam trong tháng 2.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được khởi công xây dựng ngày 10/10/2011. Sau 10 năm, ngày 6/11/2021 dự án được đưa vào khai thác. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông khoảng 18.001 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD) gồm: vốn vay của Chính phủ Trung Quốc tương đương 669,62 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam tương đương 198,42 triệu USD.

Dự án có tổng chiều dài chính tuyến 13,05 km, toàn bộ đi trên cao (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao) và khu Depot tại Phú Lương, quận Hà Đông.

Công trình được thiết kế theo chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435 mm; tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác là 35 km/h; thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông hoặc ngược lại là 23,63 phút; hoạt động liên tục từ 5h-22h30 hàng ngày. Vào khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn các tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người/đoàn. Vào giờ bình thường, tàu khai thác với tần suất 10 phút/chuyến. Lưu lượng vận chuyển tối đa 1,02 triệu người/ngày.