Chớ nên hy vọng quá!

ANTĐ - Trên cơ sở diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, cũng như thực trạng bi đát của các doanh nghiệp hiện nay, các giải pháp trong Nghị quyết 13 của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp được coi là những giải pháp mở. Phần lớn những đề xuất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đã bị Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội bác bỏ, mà chỉ nên giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo quan điểm của Ủy ban này, khi “trị bệnh” cho nền kinh tế vì sử dụng thuốc quá liều, không điều chỉnh kịp thời nên đã gây ra những “phản ứng phụ”. Vì thế, một ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất Chính phủ cần có một “liều thuốc bổ” cho doanh nghiệp, đó là gói hỗ trợ để bù đắp lại những thiệt thòi mà doanh nghiệp phải chịu lãi suất cao trong 2 năm liên tục vừa qua.

Thực tế doanh nghiệp gặp khó khăn ở nhiều lĩnh vực cho nên sự hỗ trợ cũng phải “rót” vào nhiều khía cạnh. Riêng những khó khăn về hàng tồn kho chất đống như xi măng, sắt thép là do quy hoạch kém, phát triển ồ ạt quá nhiều nhà máy trong khi bí đầu ra tiêu thụ, thì dứt khoát phải sửa sai quy hoạch. Vấn đề lo ngại nhất là hàng hóa tồn kho không thể để lâu. Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, theo chuyên gia này, cần có gói hỗ trợ riêng cho nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đây cũng chính là gói hỗ trợ gián tiếp do thất nghiệp và an sinh xã hội. Nói một cách chính xác, gói hỗ trợ của Chính phủ chưa trúng nhu cầu thực tế của thị trường.

Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam cho rằng, một trong những “điểm nghẽn” trong hoạt động của doanh nghiệp hiện nay là giải quyết bài toán vốn khi họ không bán được hàng do tồn kho, sức cầu suy giảm, nợ ngân hàng thúc sau lưng mà nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh cạn kiệt. Hầu hết doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Vừa bế tắc vốn, vừa khó tiếp cận nguồn vốn mới. Cho nên, cùng với động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, việc tái cấu trúc nợ cho các doanh nghiệp trong các ngân hàng thương mại là cực kỳ cấp bách. Một mặt, làm giảm nhanh và ngay lập tức gánh “nặng nợ” lãi suất cao từ các khoản vay cũ của doanh nghiệp, mặt khác giúp giảm nợ xấu cho hệ thống ngân hàng thương mại. Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhận xét, mặc dù Nghị quyết 13 rất có ý nghĩa giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khốn khó, nhưng chừng mực nào đó, Nghị quyết chưa thực sự được các doanh nghiệp “vồ vập” đón nhận. Bởi nếu chiếu theo định nghĩa về doanh nghiệp nhỏ và vừa về vốn, lao động, quy mô… thì họ lại bị gạt ra ngoài lề và không được hưởng đầy đủ các ưu đãi trong Nghị quyết 13.

Chớ nên hy vọng quá vào gói hỗ trợ, đó là lời khuyên của một ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Doanh nghiệp nào thực sự khỏe thì sẽ được vực dậy; tiềm lực của ngân sách có hạn nên chỉ có thể cứu doanh nghiệp nào có khả năng tồn tại, đứng vững, chứ không thể “vơ” cả những doanh nghiệp dù có “cấp cứu” cũng khó sống nổi.