Chớ hủy hoại bản thân vì… thi trượt

ANTĐ - Những năm gần đây, cứ vào thời điểm các trường đại học công bố điểm thi lại xảy ra vài vụ tự tử. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này không chỉ do sự bi quan thái quá của một số bạn trẻ mà còn bắt nguồn từ áp lực do chính phụ huynh tạo ra với con em mình…

Khi đã cố gắng hết sức, mỗi thí sinh cần lạc quan đón nhận kết quả, dù tốt hay xấu (Ảnh minh họa)

Những vụ việc đau lòng

Ngày 2-8 vừa qua tại một cửa hàng buôn bán vàng ở thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi đã xảy ra vụ hỏa hoạn khiến em N.T. T. (18 tuổi, con trai chủ cửa hàng) phải bỏ mạng. Kết quả điều tra ban đầu của CAH Mộ Đức cho thấy, nguyên nhân xảy cháy là do em T đã tự mua xăng đem vào phòng riêng tự thiêu. Trước khi hành vi dại dột này diễn ra, T đã nhắn tin qua điện thoại cho bố và một số bạn bè bày tỏ nỗi thất vọng do thi trượt đại học.

Trước đó, vào giữa tháng   7-2010, em T.C.S - học sinh chuyên Toán ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã uống thuốc trừ sâu tự tử khi đối chiếu thấy kết quả bài làm của mình không đúng với đáp án. Ngày 20-8-2009, em N.T.V. (SN 1991, ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) cũng đã tự hủy hoại bản thân bằng lá ngón do quá thất vọng trước kết quả dự thi đại học. Ngày 14-8-2006, em N.T.T (SN 1988, ở Nam Định) đã treo cổ tự tử trong phòng riêng sau khi biết tin mình thi trượt…

Trên đây chỉ là một số vụ tiêu biểu trong hàng chục vụ thí sinh tự tử do thi trượt. Trước những sự việc đau lòng này đã có nhiều ý kiến trái chiều. Theo em Vũ Hồng Hạnh - học sinh Trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, mặc dù hành động tự hủy hoại bản thân khi thi trượt là quá dại dột và đáng trách song trên thực tế, không ít thí sinh đã phải chịu áp lực khá nặng nề từ chính gia đình và thầy cô, trong khi họ vốn là những học sinh có học lực khá giỏi. Hạnh chia sẻ: “Bản thân em đã từng chứng kiến một người chị họ khi biết tin thi trượt đã phải bỏ nhà về quê do không chịu được những tiếng thở dài, những khuôn mặt buồn bã, sự trách móc của người thân trong gia đình. Thậm chí chị ấy còn có ý định trốn nhà cùng bạn lên Lạng Sơn bán hàng. May mà phụ huynh biết trước nên đã ngăn chặn kịp thời”.

Với tâm trạng tương tự, anh Đào Đình Thắng (ở ngõ 35 phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình) - một phụ huynh có con thi Đại học tháng 7 vừa qua bày tỏ quan điểm, việc tìm đến cái chết của một số thí sinh thi trượt là dại dột, thiếu hiểu biết. Hành động đó không chỉ thể hiện bế tắc của bản thân các em mà còn chứng tỏ sự thiếu quan tâm, giáo dục con không đến nơi đến chốn của nhiều bậc phụ huynh, thậm chí nó còn là biểu hiện của căn bệnh thành tích, hiếu thắng, không chấp nhận thất bại đã ăn sâu bám rễ trong một số người. Chính điều này đã đẩy con trẻ đến bước đường cũng khi mục đích đặt ra không đạt được. 

Phải biết đứng dậy sau thất bại

Về hiện tượng tự tử, bi quan do thi trượt của một số bạn trẻ thời gian qua, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú – Giám đốc Trung tâm tham vấn sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên cho rằng, việc các bậc cha mẹ ép con phải học theo ý mình sẽ khiến con trẻ gặp áp lực rất lớn, đặc biệt là với những em sống khép kín. Cách áp đặt, sự đay nghiến của cha mẹ sẽ khiến các em dễ phát sinh hành động dại dột. Đương nhiên là thí sinh khi biết mình trượt sẽ rất buồn và nỗi buồn sẽ nhân lên gấp bội, chuyển thành bế tắc khi các em không nhận được sự thông cảm từ người thân. Trong hoàn cảnh này, điều quan trọng nhất đối với phụ huynh là gần gũi, chia sẻ, động viên con em mình, để các em biết rằng trượt đại học chỉ là thất bại ban đầu, còn rất nhiều cơ hội để làm lại. Bên cạnh đó, việc không đạt kết quả như mong muốn trong học tập sẽ giúp các em nhận rõ điểm mạnh, yếu của bản thân, mở rộng tầm nhìn, từ đó có quyết định phù hợp cho tương lai.

Vào được đại học tuy là ao ước của hầu hết các bạn trẻ song đó không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Do đó, khi thất bại, các em không nên lảng tránh mà hãy mạnh mẽ đối diện với sự thật. “Thay vì tự trách mình, các em cần có kế hoạch cho bản thân, không để mình nhàn rỗi quá lâu như tham gia tập luyện thể thao, có thể tiếp tục học để thi lại nếu thấy kết quả thi không đúng như sức học của mình hoặc tìm một trường khác phù hợp hơn. Sau khi đã chọn được hướng đi tiếp theo, các em hãy đặt quyết tâm cao để thực hiện nó. Làm được như vậy, thành công nhất định sẽ đến” - Tiến sỹ Cẩm Tú đưa ra lời khuyên.