Chớ ham tăng trưởng “nóng”

ANTĐ - Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quyết toán ngân sách năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lo ngại về các khoản thu đạt thấp như thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, từ khu vực sản xuất kinh doanh ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ. Thu từ doanh nghiệp nhà nước có chuyển biến tích cực nhưng chưa tương xứng với nguồn lực và vai trò của khu vực kinh tế chủ đạo. Trong bối cảnh này, một số ý kiến cho rằng, Chính phủ nên có một gói kích cầu vì nền kinh tế có dấu hiệu thiểu phát trong quý I năm nay.

Báo cáo của Bộ Tài chính đưa ra một số nguyên nhân của các khoản thu đạt thấp vì kinh tế chậm phục hồi, hàng hóa tồn kho ở mức cao, nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Đặc biệt, khi thực hiện chính sách thuế nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân dẫn đến một số khoản thu không đạt dự toán. Vì thế, gói kích cầu kinh tế sẽ tạo sự đột phá, “kích hoạt” sản xuất kinh doanh, kích thích tiêu dùng, từ đó mới có nguồn thu, nguồn trả nợ đọng thuế. Tuy nhiên, khi nói đến kích cầu, đồng nghĩa với tổng cầu của nền kinh tế giảm, sẽ có nguy cơ bị suy thoái. Những dấu hiệu dễ nhận biết là: tăng trưởng GDP, lạm phát, đầu tư và thu nhập của hộ gia đình giảm, trong khi doanh nghiệp phá sản và thất nghiệp tăng.

Dưới góc độ của chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển, nếu số liệu công bố của Tổng cục Thống kê có độ tin cậy thì vấn đề chưa đến mức đáng lo ngại. GDP quý I tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ của hai năm trở lại đây. Tín hiệu tích cực này đến từ cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng, phản ánh thực trạng khu vực sản xuất, trong tháng 3 đạt 51,3 điểm cao hơn 51 điểm của tháng 2 và là tháng thứ 7 liên tiếp cải thiện theo hướng tốt lên. Mặc dù, chỉ số của thị trường chứng khoán không thực sự là “nhiệt kế” của nền kinh tế, nhưng 4 tháng đầu năm cho thấy thị trường này diễn biến theo chiều hướng tốt. Sau hai năm giữ vững kỷ luật trong chính sách tiền tệ, hiện nay thị trường tài chính tạm ổn định. Việc cần làm là tiếp tục cải cách mang tính cơ cấu để tạo nền móng bền vững.

Việc kích cầu kinh tế, theo một số chuyên gia, chỉ nên làm khi cấp bách và trong một thời gian ngắn, không kéo dài vì hệ lụy không hay đối với ngân sách, kèm theo những méo mó không mong muốn. Phải loại trừ tư tưởng “vá víu” kích cầu, chỉ có lợi cho một số doanh nghiệp được “ân sủng”, không có lợi cho nền kinh tế. Cần làm quen với tăng thấp, chớ ham tăng trưởng “nóng”.