Cho đi là hạnh phúc

ANTĐ - Dẫu nghèo khổ, phải phiêu dạt khắp nơi để đập đá kiếm tiền, nhưng mỗi tháng anh Lê Văn Hùng và Trần Quốc Hải ở Đông Hòa, Phú Yên vẫn tiết kiệm một khoản tiền nhỏ để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, trẻ em lang thang cơ nhỡ. Họ luôn tâm niệm “cho đi là hạnh phúc”.   
   

Cả anh Hùng và anh Hải đều có tuổi thơ thiếu thốn, lam lũ. Anh Hùng bộc bạch: “Do cả hai có cùng cảnh ngộ gia đình khó khăn nên từ nhỏ đã có tính tự lập và chơi thân với nhau. Sau này nghề gia công đá mỹ nghệ phát triển, rất cần những người thợ giỏi nghề đập đá nên chúng tôi đi làm thợ ở khắp nơi. Những ngày truân chuyên ấy, hàng đêm ngủ trong những lán ở công trường thấy nhiều mảnh đời bất hạnh còn thiếu may mắn hơn mình nên cả hai cùng bàn tính mỗi tháng tiết kiệm ra một khoản nhỏ để ủng hộ các em lang thang, bị khuyết tật”.

Ở bãi đá Đông Hòa, hình ảnh anh Hùng và anh Hải sớm tối đi giúp trẻ tật nguyền nhưng vẫn mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai, bán vé số đã quá quen thuộc với những đồng nghiệp cùng làm nghề đập đá. Trần Nam, một thợ đập đá cùng hai anh cho biết: “Nhiều năm rồi, cuộc sống không dư giả gì, nhưng hai anh ấy vẫn chăm làm từ thiện bằng tất cả khả năng của mình. Cứ lặng lẽ miệt mài làm vậy thôi”. 

Nghề đập đá khiến hai anh phiêu dạt khắp nơi. Ở mỗi nơi làm việc, hai anh thuê một gác trọ nhỏ, tất cả tiền lương tiết kiệm được các anh chia làm 2 phần, một phần gửi về trợ giúp gia đình, một phần mang đến cho người nghèo. Anh Trần Quốc Hải tâm sự: “Chúng tôi thân nhau cũng vì cùng sở thích giúp đỡ người khác như thế. Nhiều lần đi làm công ở Nha Trang, Khánh Hòa khi nghe Hội chữ thập đỏ thông báo mở đợt cao điểm quyên góp tiền mổ tim, mổ hở hàm ếch cho các em bị nhiễm chất độc da cam chúng tôi đều ứng trước 1 tháng lương để mang đến ủng hộ”.

Những người thợ đập đá trên bãi đá Đông Hòa chia sẻ thêm, việc làm không lớn nhưng tấm lòng của anh Hải, anh Hùng như tấm gương để họ học tập, từ đó thấy cuộc sống tốt đẹp hơn. Đến nay nhiều lao động trên bãi đá này cũng tích cực ủng hộ các chương trình từ thiện của nhiều tổ chức vận động. Với họ, sống là sẻ chia và đồng cảm, cuộc sống sẽ thấy ý nghĩa hơn. 

Vốn tính trầm lặng, những việc làm của anh Hùng và anh Hải cũng thầm lặng, cả những dự định và ước mơ của các anh cũng rất giản đơn. Anh Hùng thổ lộ: “Còn sức khỏe và làm việc được đến đâu thì mình vẫn sẽ trích một phần để giúp đỡ các em nạn nhân chất độc da cam. Chứ nói trước những điều to tát chưa chắc đã thực hiện được. Giá như có thể làm được thật nhiều tiền thì chúng tôi sẽ giúp được nhiều đứa trẻ thiệt thòi hơn.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no” nên chúng tôi đến với các em bằng cả tấm lòng, để tiếp thêm nghị lực cho các em tự tin sống và vươn lên. Biết đâu rồi sẽ có những em thực hiện được ước mơ của mình dù có thể không trọn vẹn như những đứa trẻ khác”.