Chớ cuốn vào đám đông

ANTĐ - Hiếm ai có thể hình dung thị trường tài chính, chứng khoán và thị trường vàng bị “rúng động” mạnh trong mấy ngày qua. Đặc biệt là thị trường chứng khoán chao đảo rất mạnh, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng giảm sàn, rồi toàn bộ sàn đều giảm. Nhiều nhà đầu tư đã quyết định bán giá sàn nhưng không thành công. Cổ phiếu đồng loạt giảm sàn, thậm chí một số mã chứng khoán của một số ngân hàng lớn ACB, EIB bị bán tháo. “Châm ngòi” cho hiện tượng này là việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt tạm giam về các sai phạm trong hoạt động kinh doanh trái phép.

Theo thống kê của công ty chứng khoán, số mã giảm chiếm tới trên 80% tổng số mã giao dịch toàn thị trường chứng khoán ngày 21-8, trong đó đa số là giảm kịch sàn với số lượng dư bán lớn. Sang ngày 22-8, tức là một ngày sau “ngày thứ ba đen tối”, dù tiếp tục mất điểm nhưng đà giảm đã được “phanh” lại khá nhiều. Sự phân hóa cũng bắt đầu xuất hiện trong nhóm ngân hàng. Sau hai phiên giao dịch kể từ khi thông tin “bầu Kiên” bị bắt, VN-Index giảm gần 6,2%, HNX-Index giảm gần 8,5%. Trong khi đó, cổ phiếu ACB giảm 13%, tính ra mỗi ngày cổ đông ACB “mất đứt” 1.600 tỷ đồng.

Theo Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tầm ảnh hưởng của cá nhân ông Kiên đối với ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết là không lớn vì ông ta chỉ nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ACB nhỏ hơn 5%. Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Vụ trưởng cho rằng nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh và cẩn trọng, tránh bán tháo để có thể bị người đầu cơ lợi dụng thao túng giá. Ngay sau một ngày xảy ra sự kiện này, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định lại, nhiều mã chứng khoán đã tăng giá trở lại. Nhiều chuyên gia thị trường cũng nhận định, ảnh hưởng của vụ “bầu Kiên” sẽ vẫn còn dư chấn dù xác định rõ nguyên nhân chứng khoán giảm sâu hoàn toàn do hiệu ứng tâm lý đám đông. Cũng dễ hiểu thôi, giới đầu tư cũng như nhiều người dân gửi gắm đồng tiền vào mã cổ phiếu hoặc khoản tiết kiệm nào đó, không thể “bình chân như vại” trước một sự kiện có thể gây ra sóng lớn trên thị trường chứng khoán, ngân hàng.

Lâu nay, những người rủng rỉnh tiền bạc thường loay hoay, toan tính tìm “hầm trú ẩn” để cấp giữ an toàn và ít rủi ro nhất. Vàng, chứng khoán, nhà đất, gửi ngân hàng được coi là sự lựa chọn theo cấp độ an toàn. Bởi thế, bất kể một sự kiện, hiện tượng nào xảy ra cũng tạo nên những “đợt sóng”. Mặc dù ngay cả sự kiện “bầu Kiên”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có tuyên bố trấn an dư luận, các phương tiện truyền thông cũng đã vào cuộc hết sức nhanh nhạy và kịp thời, song hiệu ứng “đôminô” cũng như tâm lý đám đông là khó tránh khỏi. Bản thân Giám đốc điều hành, phụ trách nghiên cứu Công ty Chứng khoán HSC cũng đã nhận định, thị trường bị bán tháo mạnh và gây sốc tạm thời cho hệ thống. Các phiên giảm chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý chứ không từ bản thân các cổ phiếu.

Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định chắc chắn, người gửi tiền hoàn toàn yên tâm, trong trường hợp cần thiết sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống. Hoàn toàn thông cảm với phản ứng của thị trường, song nếu không đủ tỉnh táo và bản lĩnh rất dễ bị cuốn vào đám đông theo tâm lý bầy đàn “mua đỉnh - bán đáy”.