Chớ... "bóp méo" tấm bánh!

ANTĐ - Tôi đố ông giải được câu này nhé: “Người mua không ăn, người ăn không phải mua” là gì?

- Đến trẻ con cũng biết, bánh Trung thu chứ gì! Tôi còn câu này hay hơn: “Bánh gì chạy lòng vòng, chóng mặt hơn đèn kéo quân?”.

- Thật tuyệt vời, chỉ cần hai câu ngắn ngủn mà ai cũng hiểu về một cái Tết Trung thu của người lớn, không dành cho con trẻ.

- Thôi thì trẻ con cũng phải tập “bóp mồm” chia sẻ khó khăn với người lớn cho quen đi. Có được một góc bánh mà ăn là sướng rồi. Còn bánh nhân vị cá, yến sào, đông trùng hạ thảo... chỉ hợp khẩu vị của người lớn, của người quen ăn trên, ngồi trốc, ăn không mất tiền mua.

- Tôi nghe thiên hạ kháo nhau, loại bánh cao cấp biểu tượng cho sự may mắn, phúc lộc... giá tới 4-5 triệu đồng. Đặc biệt, một số loại bánh “siêu khủng” có giá đến 11-13,6 triệu đồng/hộp.

- Đắt “lòi mắt” thế thôi, chứ tôi chắc trong nhân, trong ruột cũng chẳng hay ho gì hơn, bổ béo gì cái bánh Trung thu biến thể, biến thái. Rồi lại đắt là ở vỏ hộp làm bằng da, sơn mài... giá gấp 5 lần bánh trong hộp.

- Tự dưng tôi với ông mồm miệng bình dân lại thừa hơi ngồi bàn chuyện bánh trái xa xỉ, trong khi nhiều loại bánh truyền thống hợp khẩu vị, vừa túi tiền thì người ta vẫn đang nơm nớp lo nhân bánh nhập lậu, trôi nổi trên thị trường.

- Đâu phải tôi rỗi hơi bàn chuyện bánh nướng, bánh dẻo. Họ vừa công bố, mùa Trung thu này, cả nước tiêu thụ tới 5.000 tấn bánh.

- Giật mình, quá sức tưởng tượng. Người lớn ném ra cả một đống tiền hoang phí, chả biết trẻ con có được nổi một góc bánh truyền thống?

- Tôi muốn kết thúc cuộc “hội thảo” về bánh Trung thu đã diễn ra bao năm nay bằng câu: Hãy trả lại Trung thu cho trẻ, người lớn không nên “ăn theo”, “bóp méo” tấm bánh ấy nữa.