Xem xét điều chỉnh tăng lương cho hàng triệu lao động

ANTD.VN - Sáng nay (14-6), Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên đầu tiên để xem xét mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2020. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng từ 7-8%, trong khi nhiều hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị không tăng.

 

Phiên họp đầu tiên của Hội đồng tiền lương diễn ra với các bên tham dự gồm: Đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã, chuyên gia độc lập…

Theo báo cáo “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” của tổ chức Oxfam công bố mới đây cho thấy, một số ngành nghề mức lương chưa đủ đáp ứng nhu cầu sống của người lao động.

Đơn cử như trong ngành may, có đến 99% thu nhập người lao động thấp hơn mức lương đủ sống theo tiêu chuẩn của Sàn lương châu Á (AFW).

Đặc biệt, nếu chỉ tính công việc hoàn thành trong giờ làm việc tiêu chuẩn, không tính các khoản phụ cấp, nhiều công nhân may được khảo sát không đủ sống ở mức cơ bản nhất.

Trao đổi với các cơ quan báo chí trước giờ đàm phán, đại diện Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, kết quả đàm phán lương tối thiểu mùa trước đã giúp tăng lương tối thiểu năm 2019 đạt khoảng 95 % mức sống tối thiểu của người lao động.

Trong khi đó, Nghị quyết số 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương đã nêu rõ mục tiêu, đến năm 2020 tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. 

Năm nay, căn cứ vào các yếu tố kỹ thuật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng.

Phương án 1 xác định tỷ lệ nhu cầu lương thực/phi lương thực là 47/53 - tương ứng với tỷ lệ của Philippin, tương ứng với mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 7,06 %.

Phương án 2, tỷ lệ nhu cầu lương thực/phi lương thực là 46,5/53,5, tương ứng với mức tăng 8 %.

Trái với quan điểm từ phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI khá thận trọng trong việc đưa ra quan điểm điều chỉnh tăng hay không tăng lương tối thiểu vùng 2020.

Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, trong các cuộc hội thảo về chính sách tiền lương, đa số các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đề nghị VCCI không nên tăng lương tối thiểu vùng.

Thực tế, các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng được đề xuất là 5,3%.

Cụ thể: 72,5 % doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng trên 6 %; 2,1 % doanh nghiệp tăng 5,9%. Cho nên, doanh nghiệp không muốn điều chỉnh lương tối thiểu vùng nữa mà dành chi phí đó cho những thương lượng tập thể như tiền thưởng hoặc để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nêu quan điểm của mình, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, VCCI đồng ý với việc cần phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng.

Tuy nhiên, mức điều chỉnh như thế nào thì phải xem xét kỹ càng để làm sao để bảo đảm khả năng chi trả của doanh nghiệp mà vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.