Vụ chùa Ba Vàng: Việc xử lý có bị can thiệp tình cảm?

ANTD.VN - Theo Nhà báo Lê Thanh Phong - Báo Lao Động, vụ việc liên quan đến chùa Ba Vàng xử lý như vậy là chưa quyết liệt và đang còn có sự can thiệp bằng tình cảm, nghĩa là: "Vẫn có suy nghĩ rằng, ở đây có những cái liên quan đến phật giáo, hay là tôn giáo..."

Chiều nay (5/6), trong phiên chất vấn liên quan đến các vi phạm về vấn đề tâm linh, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL ) Nguyễn Ngọc Thiện nói rằng: "Tiền là một phần nhưng phải tăng nặng hình thức xử phạt".

Phỏng vấn bên lề phiên họp, nhà báo Lê Thanh Phong - Báo Lao Động cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Thiện là chưa quyết liệt khi nói "xử phạt 5 triệu đồng hay 100 triệu đồng thì nhỏ không nhỏ mà lớn không lớn". 

Theo nhà báo Lê Thanh Phong, pháp luật Việt Nam quy định rất rõ và đầy đủ trong pháp luật hình sự, nghị định về xử phạt các hành vi mê tín dị đoan, luật về tín ngưỡng tôn giáo... Quy định cũng nêu rõ, ở mức độ nào thì xử lý hình sự, mức độ nào sẽ xử lý hành chính... thực hiện nghiêm mới ngăn chặn được các vi phạm về lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng niềm tin của người dân trục lợi.

Vụ chùa Ba Vàng liệu có hay không sự can thiệp bởi tình cảm?

Ông Phong nhấn mạnh, để xác định việc xử lý là vi phạm hành chính hay phạm pháp hình sự thì trước tiên phải làm rõ được hành vi của nhóm hay cá nhân vi phạm. Đặc biệt, theo nhà báo này, việc xử lý các vi phạm liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo còn bị can thiệp bởi tình cảm.

"Ví dụ như hiện giờ liên quan đến vụ chùa Ba Vàng, vẫn có những suy nghĩ rằng, ở đây có những cái liên quan đến phật giáo, hay là tôn giáo. Không phải, ở đây không có liên quan gì đến tín ngưỡng, tôn giáo mà là liên quan đến một nhóm người lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Chúng ta chưa xác định được hành vi nên mức phạt chưa tới được" - Nhà báo Lê Thanh Phong dẫn chứng.

Ông cho rằng, việc xử lý hành chính 5 triệu đồng đối với bà Phạm Thị Yến liên quan đến vụ việc gây xôn xao dư luận thời gian qua tại chùa Ba Vàng là "chưa tới". Đồng thời đặt ra câu hỏi "Giả sử người ta trục lợi hàng tỷ đồng thì sao? Vậy thì 5 triệu đồng hay 100 triệu đồng có đủ để xử lý hành vi đó không?".

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội lại bày tỏ quan điểm rằng, ý kiến của nhà báo Lê Thanh Phong là đúng nhưng có phần khắt khe và việc Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời phải dựa trên các văn bản pháp luật. 

"Tôi lấy ví dụ như việc phạt bao nhiêu triệu đồng đấy đó là quy định xử lý vi phạm hành chính có mức rất là rõ. Chúng ta muốn phạt lớn cũng ko được, đấy là quy định trong luật rồi. Còn chúng tôi nghĩ là những chuyện tâm linh ở chùa Ba Vàng là mới phát sinh và khi xây dựng những quy định về xử phạt vi phạm hành chính, chúng ta cũng không lường hết được có những tình trạng như vậy" - Ông Tiên nêu ý kiến.

Một vấn đề được nói đến là việc sử dụng tiền công đức tại các khu tôn giáo, ông Nguyễn Văn Tiên cũng khẳng định rõ, trừ nhà thờ họ ko có ai quản lý, còn tất cả các khu tôn giáo đều có Ban quản lý, và trong Ban quản lý có đầy đủ thành phần của chính quyền địa phương, cũng như các hội, đoàn thể và các tôn giáo. Ban quản lý là những người có quyền quyết định sử dụng tiền công đức này như thế nào cho hợp lý.

 Rõ ràng, vấn đề tâm linh là phạm trù rất khó để đưa ra bàn bạc, mổ xẻ, nhưng hiện tại vẫn có những quy định mà pháp luật Nhà nước đã ban hành để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Việc xử lý các vi phạm này phải dựa trên các quy định hiện hành và quan trọng hơn, mỗi người dân cần có trách nhiệm lên án các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi.