Việt Nam không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật và bảo đảm tốt quyền, lợi ích của nhân dân

ANTD.VN - Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua, Dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hay việc Trung Quốc triển khai lại tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam… là những vấn đề chính được đặt ra đối với Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 14-6.

Việt Nam không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật và bảo đảm tốt quyền, lợi ích của nhân dân ảnh 1Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Việc xây dựng Luật An ninh mạng là cần thiết 

Chiều 14-6, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Luật An ninh mạng được thông qua ngày 12-6-2018 với số phiếu cao sau nhiều vòng thảo luận, tiếp thu ý kiến rộng rãi, minh bạch của các đại biểu Quốc hội và người dân. Luật An ninh mạng phù hợp với Hiến pháp và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

“An ninh mạng là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Trong những năm gần đây, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, khu vực. Các cuộc tấn công nhằm vào môi trường mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, có tính chất xuyên biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định kinh tế - chính trị của các nước. Trong khi đó, những nỗ lực nhằm cải thiện an ninh trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm an ninh mạng. Do đó, việc xây dựng Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định. 

Đảm bảo quyền lợi của người dân khi hội nhập quốc tế

Trước câu hỏi về mục đích của việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện các chính sách, pháp luật và triển khai toàn diện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm ngày càng tốt những quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018. Dự thảo Luật được xây dựng nhằm mục đích tạo ra những đột phá, động lực phát triển mới cho nền kinh tế, phát huy lợi thế của địa phương.

 Trả lời câu hỏi liên quan đến việc phản đối dự luật này, bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết, tình hình tại Việt Nam ổn định. Các lực lượng chức năng Việt Nam đã triển khai các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh, quyền lợi và tài sản của nhân dân. Các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.

Yêu cầu Trung Quốc rút các trang thiết bị quân sự trên quần đảo Hoàng Sa 

Cũng tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 14-6, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, việc Trung Quốc triển khai lại tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam làm gia tăng căng thẳng và đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.

Trước thông tin phóng viên đưa ra rằng, ngày 8-6 ảnh vệ tinh của Công ty Tình báo Israel chụp tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam-PV) cho thấy, hệ thống tên lửa của Trung Quốc xuất hiện tại đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Mọi hoạt động được tiến hành tại hai quần đảo này mà không được phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp, vô giá trị và vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc triển khai lại tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái, rút các trang thiết bị quân sự đã triển khai trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.