Vì sao một số ĐBQH không đồng tình rút Dự án Luật Đất đai tại kỳ họp thứ 9?

ANTD.VN -Thảo luận về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng, cần chấm dứt tình trạng xin lùi, xin rút các dự án Luật, trong đó có Luật Đất đai.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, điển hình như việc xin rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 9. Bởi lẽ, vấn đề đất đai đang là một vấn đề “nóng” được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Vấn đề quản lý đất đai trong thời gian qua còn nhiều bất cập, yếu kém. Phần lớn khiếu nại trong xã hội có nguyên nhân xuất phát từ các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai.

 Luật Đất đai hiện hành còn một số quy định chung chung, chưa rõ ràng dẫn đến khó hiểu, khó áp dụng. Cử tri, nhân dân cả nước đều mong mỏi có bộ luật về đất đai đầy đủ, rõ ràng để việc chấp hành pháp luật các quy định này được thực hiện nghiêm minh.

Đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, chúng ta “sống trên đất, chết vùi trong đất”. Do đó dự án Luật Đất đai là rất quan trọng, dù nhạy cảm, khó khăn vẫn phải triển khai sớm.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) phát biểu

Còn theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM), Quốc hội cần ban hành Nghị quyết để điều chỉnh ngay những bức xúc còn vướng nhằm giải quyết tắc nghẽn của Luật Đất đai (khiếu kiện của người dân, bất cập trong giải phóng mặt bằng...).

Không đồng tình với ý kiến trên, nhiều Đại biểu nhất trí với quyết định của UBTVQH đã về việc đưa ra khỏi Chương trình đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động và lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) phát biểu, nên rút Dự án Luật Đất đai vì cần chuẩn bị kỹ và đồng bộ với việc sửa đổi các luật khác như Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng để khi thực thi bớt chồng chéo vướng mắc, đặc biệt là công tác quản lý Nhà nước phải hài hòa với lợi ích của người dân.

"Thời gian qua trong quản lý đất đai còn nhiều bất cập. Nhiều người dân ủng hộ quy hoạch, thu hồi đất nhưng khi GPMB lại xảy ra khiếu kiện. Rõ ràng còn nhiều vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, xây dựng, quy hoạch" - Đại biểu Quyết Tâm nêu ví dụ.

Bên cạnh đó, đối với vấn đề xin lùi, xin rút dự án Luật, các đại biểu đề nghị, những cá nhân, tổ chức làm công tác xây dựng luật cần đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị Chính phủ phân công một Phó Thủ tướng phụ trách xây dựng pháp luật bởi thực chất của hoạt động xây dựng pháp luật là xây dựng thể chế.

Bên cạnh đó, cần mở rộng thành phần Ban soạn thảo dự án luật để nâng cao tính phản biện ngay trong quá trình soạn thảo, xây dựng dự án luật. Điều này giúp dự án luật khi trình Quốc hội sẽ chất lượng hơn và hạn chế được việc nhiều ý kiến trái chiều tranh luận khi đem ra thảo luận ở Quốc hội.

Đối với các dự án luật không bảo đảm đầy đủ hồ sơ, tài liệu, không bảo đảm chất lượng và tiến độ cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không chuẩn bị kịp hoặc không bảo đảm chất lượng phải lùi, rút dự án, dự thảo để báo cáo Quốc hội, UBTVQH, đồng thời, có giải pháp kiên quyết xử lý để tiến tới chấm dứt tình trạng này.

Phát biểu giải trình các vấn đề Đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, Luật Đất đai là luật khó, đã 2 lần xin đưa vào chương trình kỳ họp rồi lại rút ra. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ quan chủ trì chưa đầu tư hết công sức. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục bàn với Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị kỹ về dự án luật này để đến năm 2021 sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá, thông qua.