Vì một ASEAN "gắn kết và chủ động thích ứng"

ANTD.VN - Nhận “chiếc búa quyền lực” Chủ tịch luân phiên của ASEAN từ tay Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Nguyễn Phúc nêu rõ Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, một năm có ý nghĩa quan trọng đối với  ASEAN cũng như vị thế, uy tín của Việt Nam.  

Vì một ASEAN "gắn kết và chủ động thích ứng" ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận Chiếc búa quyền lực - Chủ tịch luân phiên của ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan

Trong lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 diễn ra tối 4-11 tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được Thủ tướng nước chủ nhà Prayut Chan-o-cha trao cho “Chiếc búa quyền lực” - biểu tượng cho cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tiếp nối những kết quả tích cực của ASEAN năm 2019 dưới tinh thần chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững”, Việt Nam lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là Chủ đề của năm ASEAN 2020.

Với những thành công thời gian qua, thể hiện sống động qua kết quả đạt được tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan như ASEAN+1 (ASEAN với từng nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), ASEAN+3 (ASEAN với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và Cấp cao Đông Á (EAS, ASEAN với các nước đối tác và đối thoại), ASEAN tiếp tục minh chứng là một trong những tổ chức khu vực thành công bậc nhất thế giới. Cộng đồng ASEAN hình thành từ năm 2015 ngày càng gắn kết trên cả 3 trụ cột: Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội.

Cùng với đó, ASEAN cũng khẳng định vững chắc vai trò trung tâm, dẫn dắt của mình trong các vấn đề hợp tác kinh tế cũng như an ninh trong khu vực. ASEAN hiện đã hoàn tất việc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước thanh viên và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do gồm: Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc để hình thành một thị thường với quy mô 3,5 tỷ người tiêu dùng, GDP gần 49.000 tỷ USD, chiếm 39% GDP toàn cầu. Vai trò dẫn dắt và trung tâm của ASEAN cũng được khẳng định và các bên tôn trọng trong các vấn đề hòa bình, an ninh của khu vực.

Tuy nhiên, ASEAN cũng đang đứng trước những thách thức và khó khăn không nhỏ trong tình hình khu vực và thế giới biến động nhanh, phức tạp từ kinh tế cho tới an ninh và ổn định. Trong đó, những hoạt động quân sự hóa, xâm phạm chủ quyền các bên liên quan của Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng của thế giới với 3.400 tỷ USD lưu lượng hàng hóa vận chuyển hàng năm. Đặc biệt là những vụ việc nghiêm trọng vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đi ngược lại luật pháp quốc tế trên vùng biển khu vực và Việt Nam khi đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính ở phía Nam Biển Đông.

Những thách thức kinh tế và an ninh đó mang lại những bài học sâu sắc cho ASEAN. Điều này càng cho thấy an ninh và ổn định trên Biển Đông hiện rất mong manh, đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm gìn giữ của tất cả các quốc gia trong khu vực, để đảm bảo rằng những vụ việc tương tự không lặp lại. Để thích ứng nhanh cũng như vượt qua những thách thức kinh tế và an ninh ấy, đòi hòi ASEAN phải tiếp tục củng cố, phát huy giá trị cốt lõi, nền tảng làm nên thành công của tổ chức khu vực thời gian dài qua. Đó chính là đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hiệp hội. 

Trong bài phát biểu sau khi tiếp nhận “Chiếc búa quyền lực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, khả năng gắn kết vững bền, hơn lúc nào hết, càng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN. Tiếp nối những nỗ lực đó, trong năm 2020, Việt Nam sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN, và cũng chính thông qua sự gắn kết bền vững đó mà hiệp hội có thể nâng cao năng lực thích ứng chủ động và hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra.

Với ý nghĩa ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là Chủ đề của năm ASEAN 2020. Một Cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ.  

Một năm bận rộn với vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề với Việt Nam khi giữ trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020, đồng thời cũng là năm chúng ta đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Trách nhiệm nặng nề, công việc bề bộn, song đó cũng là dịp để Việt Nam nâng cao vị thế, uy tín của mình ở khu vực cũng như thế giới.