Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định 6 nhóm đối tượng được hưởng tiền hỗ trợ do Covid-19

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, đề xuất 6 nhóm đối tượng được hưởng tiền hỗ trợ…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường sáng 8-4

Sáng nay, 8-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bất thường để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đề nghị của Chính phủ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là nội dung quan trọng, cấp bách cần được quyết định ngay, triển khai kịp thời trong tình hình hiện nay, thể hiện rõ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Do đó, ngay sau khi Chính phủ trình nội dung, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra.

19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô

Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc.

Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, đại dịch cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Dự báo trong tháng 4, tháng 5-2020, dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp

Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ tiền do Covid-19. Cụ thể:

Thứ nhất: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ngoài mức trợ cấp thường xuyên được hỗ trợ thêm: 500.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.

Thứ hai: Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định: 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.

Thứ ba: Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực hiện cho vay hằng tháng theo tình hình thực tế.

Thứ tư: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên: 1.800.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

Thứ năm: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm: 1.000.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

Thứ sáu: Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ: 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

Các chính sách hỗ trợ nêu trên được thực hiện tối đa 3 tháng. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 02 chính sách hỗ trợ trở lên (kể cả chính sách hỗ trợ đang thực hiện của địa phương nếu có) thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

Về quy mô hỗ trợ (bao gồm cả hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ gián tiếp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội), theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, dự kiến Nhà nước sẽ chi khoảng 62.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng…

Thẩm tra về báo cáo này của Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm mức hỗ trợ để có sự tương đồng trong thực hiện chính sách đối với người lao động.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, sau khi các chính sách được ban hành, các cấp, các ngành cần chủ động thực hiện ngay, có hiệu quả để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến người dân, hạn chế thấp nhất độ trễ của chính sách khi đi vào cuộc sống; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách, thiếu minh bạch trong tổ chức thực hiện.