Ước mơ của những người lính biển

ANTD.VN - Mỗi người lính hải quân đều có những ước mơ riêng của mình. Có người lính ra đảo thay đồng đội làm nhiệm vụ, mang theo những cuốn sách để tranh thủ học sau ca trực để thõa mãn ước mơ giảng đường khi kết thúc kỳ quân ngũ. Lại có người xong nhiệm vụ với Tổ quốc trở về đất liền sẽ tiếp tục làm những công việc mà trước đây tạm gác lại…

Mỗi người đều có những ước mơ của riêng mình. Nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là khi Tổ quốc cần và gọi tên, họ sẵn sàng lên đường chắc tay súng, bảo vệ biển, đảo, đất, trời quê hương.

Người chiến sỹ đa tài

Con tàu KN 491 như một ngôi nhà lớn chứa đựng cả đại gia đình các cán bộ chiến sỹ hải quân cùng với đoàn phóng viên báo chí ở khắp cả nước trong suốt 20 ngày làm nhiệm vụ thay, thu quân, chúc Tết cán bộ chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. Khu vực ca bin tầng 4 có lẽ là nơi đông vui nhất của con tàu, được anh em phóng viên và bộ đội gọi bằng cái tên rất thân thương: “ Câu lạc bộ thanh niên”. Đây là nơi mà mỗi sáng sớm và chiều tối, anh em bộ đội ở các đảo, cùng cánh phóng viên thường tụ tập ngồi hàn huyên với nhau đủ thứ chuyện quanh ấm trà, gói kẹo nhỏ.

Ngay trong ngày đầu tiên lên đảo Trường Sa, dẫn chúng tôi lên nhà khách Trường Sa nhận phòng là chàng lính trẻ Nguyễn Xuân Tuyền. Tuyền quê ở Khánh Hòa, làm nhiệm vụ của người lính phòng không tại đảo Trường Sa, đồng thời kiêm phụ trách quản lý một số mảng việc của nhà khách trên đảo. Tuyền cẩn thận chỉ cho chúng tôi chỗ nào là ổ điện, nơi nào đặt đồ dùng cá nhân bằng chất giọng nhẹ nhàng như con gái. Tôi đồ rằng có lẽ sự nhanh nhẹn, đặc biệt là khuôn mặt luôn tươi cười, thân thiện của Tuyền là một trong những lý do Tuyền được chỉ huy chọn làm công việc này tại nhà khách. Đó cũng là những ngày làm nhiệm vụ cuối cùng của Tuyền trên đảo trước khi cậu được ra quân.

Tuyền ôm cây đàn ghi ta cùng đồng đội hát say sưa những bài hát về biển đảo Tổ quốc trước khi xuống tàu về đất liền

Sau buổi sáng sớm chào cờ trên đảo Trường Sa, Tuyền cùng đám lính trẻ ôm cây đàn ngồi hát say mê. Những lời hát về biển cả, hải đảo quê hương ngân vang trong gió, trên những khuôn mặt lính trẻ đen nhẻm vì nắng biển, nụ cười bừng sáng để lại ấn tượng mạnh mẽ với chúng tôi. Trong đợt thay, thu quân lần này, Tuyền ra quân trở về đất liền. Suốt gần 1 tháng trời ở trên tàu KN 491, Tuyền và chúng tôi thân thiết như anh em một nhà, bởi cùng chung niềm đam mê ca nhạc.

Tuyền kể, ngày mới ra đảo, nhớ nhà, nhớ cô bạn gái tên Hạnh, quê quán Ninh Phú, Ninh Hòa, Khánh Hòa...nên cứ mỗi buổi chiều khi xong nhiệm vụ trực, cậu lại ra cầu cảng ngồi nghêu ngao hát những bài hát về quê hương, tình yêu. Biết chàng lính biển yêu nhạc, Thiếu tá Vũ Văn Phương, một cây ghi ta kiệt xuất của đảo Trường Sa đã lôi về đội văn nghệ để kèm cặp, bồi dưỡng.

Giây phút chia tay xúc động của người chiến sỹ hải quân trên đảo Đá Tây B với cậu bạn nhỏ đáng yêu 

Một tiếng mỗi ngày, Tuyền được người anh, người chỉ huy Thiếu tá Vũ Văn Phương kèm dậy đàn ghi ta. Chỉ sau chừng một tháng, Tuyền đã có thể đệm ghi ta được tất cả những bài hát thuộc thể loại nhạc đỏ, trữ tình quê hương. Tuyền cũng chẳng bao giờ vắng mặt trong những đêm văn nghệ sôi nổi. Tiếng đàn ghi ta của người lính trẻ ấy vừa hào hùng, sôi nổi nhưng cũng đầy da diết, nhẹ nhàng, mãnh liệt như chính sóng biển Trường Sa.

Tôi còn nhớ, chiều hôm Tuyền cùng nhóm phóng viên lên tàu rời đảo Trường Sa lớn, cả Tuyền và anh Phương cứ ôm lấy nhau bịn rịn trong giây phút chia tay. Đặt bàn tay lên đôi vai của người lính ra quân trở về đất liền, Thiếu tá Phương dặn dò Tuyền như một người anh với cậu em nhỏ: “Dù cuộc sống sau này có vất vả thế nào thì cũng không bao giờ được quên “chất lính” Trường Sa”.

Những món quà và dự định tương lai

Nhà Tuyền có 3 anh em, trên là anh trai, dưới là cô em gái đang học lớp 10. Tuyền nói với chúng tôi trong nhà cậu thương cô em gái nhất. Trong đợt ra quân này, Tuyền đã chuẩn bị chu đáo nhiều phần quà cho những người thân của gia đình. Và đương nhiên, món quà dành cho cô em gái là đặc biệt nhất, đó là chiếc bút được cậu tỷ mẩn, khéo léo mài rũa, khắc gọt trong những giây phút rảnh rỗi hiếm hoi trên đảo.

“Em ước mong em gái của em sẽ học thật giỏi, để sau này có được công việc thật tốt. Bản thân em thiệt thòi vì không học được cao nhưng những ngày tháng ở Trường Sa đối với em đã rèn rũa, hun đúc cho em được bản lĩnh để khi trở về đất liền em sẽ làm tốt công việc mà mình theo đuổi, đó là làm nghề du lịch biển, để cho du khách trong và ngoài nước hiểu thêm hơn về chủ quyền biển đảo của quê hương”- Tuyền tâm sự với chúng tôi. Tuyền còn nói thêm, không chỉ là công việc cũ, niềm đam mê trước khi nhập ngũ, đó cũng là trách nhiệm mà mỗi người lính Trường Sa sau khi ra quân phải thực hiện, như một mệnh lệnh của trái tim.

Những cán bộ chiến sỹ ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc trên đảo An Bang

Bồi hồi không kém khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là được gặp lại bố mẹ, gia đình, Châu Văn Vỹ quê ở huyện Phước Nam, tỉnh Ninh Thuận, người đen nhẻm vì nắng gió của biển cũng là lính đảo Trường Sa được ra quân trong đợt này. Vỹ có em trai là Châu Văn Lượn hiện đang học lớp 1. Cây hoa được Vỹ làm bằng những vỏ ốc biển đủ màu sắc được cậu cất kỹ trong ba lô, đó là món quà mà Vỹ dành tặng cho em trai của mình. “ Ở nhà hai anh em quấn nhau lắm. Ngày em khoác ba lô đi bộ đội, nó cứ khóc bám lấy em, phải dỗ mãi nó mới nín. Em có hứa với nó là sẽ có quà biển về sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc”- Vỹ bồi hồi.

Nói về những dự định trong tương lai sau khi ra quân, Vỹ tâm sự việc đầu tiên là sẽ lấy vợ. Bạn gái của Vỹ là một cô gái hiền thảo làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Cả hai yêu nhau cũng đã được mấy năm. Trong suốt những ngày làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương, những lá thư của người yêu như là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho cậu lính trẻ vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu. “Quà mang về cho bạn gái là một vỏ sò lớn có khắc hình trái tim nóng hổi tình yêu biển, nhớ người yêu của người lính đảo”- Vỹ nói. Sau khi cưới xong, Vỹ sẽ tiếp tục đi học và làm nghề điện lạnh, một công việc mà cậu rất đam mê.

Thấy Tuyền nói sẽ làm nghề du lịch, Huỳnh Văn Danh sinh năm 1995, quê ở Phú Yên, lính Trường Sa ra quân đợt này đã vồn vã trao đổi số điện thoại để sau này phối hợp giúp nhau trong công việc. Danh cho biết, trước khi nhập ngũ, cậu đã làm nhân viên cho một khách sạn lớn ở Khánh Hòa. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, Danh sẽ về quê ăn Tết cùng gia đình, rồi vào lại Khánh Hòa làm khách sạn.

Còn binh nhất Nguyễn Văn Nguyên ở đảo Trường Sa quê ở Vũng Tàu lại thích học nghề lái xe. Cái nghề mà cậu nói rất thích vì sẽ được đi nhiều nơi trên khắp đất nước tươi đẹp của mình. Buổi sáng khi chúng tôi lên đảo An Bang, khi lân la ra khu vực bếp của đảo, chúng tôi chứng kiến cảnh chia tay hết sức cảm động giữa chàng đầu bếp Đỗ Tuấn Anh với người đồng đội được ra quân đợt này.

Những vai sắt chân đồng, mắt biếc Trường Sa canh giữ biển đảo quê hương trong bất cứ tình huống nào cũng không để bị động, bất ngờ

Đôi bàn tay thoăn thoắt thái rau, Tuấn Anh vui mừng khoe với chúng tôi vừa được lên chức bố. Trước khi đi ra làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương, hai vợ chồng Tuấn Anh đã quyết định đặt tên cho cô con gái yêu đầu lòng là Mai, ý nghĩa tươi sáng như hoa mai, có một ngày mai đẹp đẽ, hạnh phúc. Năm nay là năm đầu tiên đón Tết ở đảo An Bang, lại lên chức bố, niềm vui của người lính đảo như được nhân đôi.

Những câu chuyện về dự định, công việc và mơ ước của người lính đảo cứ rôm rả trên boong tàu, giữa bốn bề là tiếng gió, sóng biển vỗ vào mạn tàu. Trong đêm, ở trên cao, những ngôi sao lung linh như điểm hoa trên nền trời xanh thẫm nước biển như chiếc mũ của những người lính đảo.